Hiện nay, chị Ngọc đang là cán bộ kinh tế tập thể UBND xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và là thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Long Khánh.
Từ việc làm kinh tế hộ gia đình khi sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, chị Ngọc đã phổ biến cho bà con và nhân rộng mô hình này thành công tại địa phương.
Được biết, chị đã khởi nghiệp với 30 triệu trong tay, với số vốn này chị đã làm được những gì?
Năm 2014, tôi đã khởi nghiệp với số vốn 30 triệu đồng trên mảnh vườn 1 ha của gia đình. Tôi chuyển đổi hoàn toàn phương thức trồng trọt của gia đình sang hướng hữu cơ sử dụng phân chuồng tự ủ hoai mục làm phân bón và phun xịt phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học, doanh thu 600-750 triệu đồng/ha. Năm 2016, tôi đã chia sẻ ý tưởng sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ cho một số hộ dân tại xã Bình Lộc nơi tôi sinh sống. Lúc đầu, có 12 hộ dân cùng chí hướng thực hiện sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ với diện tích 10 ha cùng thành lập nên Tổ hợp tác cây bưởi da xanh Bình Lộc.
Các khách hàng ban đầu chúng tôi tiếp cận được là bạn bè, người thân của bạn bè, ký gửi hàng tại các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch, organic. Đến năm 2019 khi thị trường tiêu thụ bắt đầu rộng mở, chúng tôi trực tiếp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM, Sau đó, chúng tôi đã mở rộng diện tích sản xuất do nhu cầu ngày càng lớn.
Và việc kinh doanh của chị bắt đầu bước sang "trang mới" trong kinh doanh?
Đúng là mọi việc khá thuận lợi, chúng tôi đã gặp gỡ lãnh đạo UBND xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để trao đổi về định hướng hoạt động và hướng đi cho sản phẩm bưởi da xanh tại xã Bình Lộc. Khi thấy được hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác, các hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Long Khánh, đến nay đã có trên 40 hộ tham gia sản xuất với diện tích trên 35 ha.
Hiện nay, năng lực cung ứng của HTX chúng tôi đạt trên 600 tấn/năm, với giá bán trung bình từ 50.000đ đến 80.000đ/kg. Tuy nhiên, có một số khó khăn là quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Giá đất nông nghiệp hiện đang tăng cao, một số hộ dân bán đất để chuyển sang ngành nghề khác. HTX còn thiếu cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, thiếu trang thiết bị văn phòng làm việc và kho sơ chế sản phẩm.
Ngoài ra, HTX còn gặp phải những thách thức nào khác?
Đó là việc một số hộ nông dân còn ngại thay đổi cách thức sản xuất, công tác tuyên truyền, vận động tham gia còn khó khăn. HTX phải đối mặt với các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị thế độc quyền trong kinh doanh phân phối sản phẩm, dịch vụ. Cùng với đó là sự biến động của thị trường làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Và tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao, đòi hỏi HTX cần có các giải pháp đột phá một cách hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Sản phẩm chủ lực của HTX là gì?
Hiện nay, chúng tôi đang cung ứng ra thị trường sản phẩm trái bưởi da xanh được sản xuất theo hướng hữu cơ, trên từng sản phẩm được dán tem nhãn hiệu Loka Organic đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sản phẩm dạng trái tươi, được cắt và đóng gói trong ngày nên giữ được độ tươi của sản phẩm, nếu bảo quản ở nhiệt độ thường và nơi khô ráo có thể giữ được từ 1,5 đến 2 tháng mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học thay thế hoàn toàn trong quá trình sản xuất. Trong thời gian tới, HTX dự kiến sẽ mở rộng diện tích sản xuất từ 50-70ha nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương cũng như tăng thêm sản lượng cung ứng, hạn chế tối đa chi phí sản xuất, tăng năng suất cho người nông dân.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Liên hệ: Trần Thị Kim Ngọc - thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Long Khánh - thương hiệu: Bưởi Loka Organic
SĐT: 0982.537.051
Fanpage: HTX NN hữu cơ Long Khánh
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn