Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí

16:31 | 19/11/2021;
Sáng 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí; qua đó tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chương trình số 3463/CTr-BTGTƯ-BCT (15/6/2021) về việc phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2026.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp: Tự vệ (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất trong nước); chống bán phá giá; chống trợ cấp (áp dụng khi hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh do bị bán phá giá hoặc được nước xuất khẩu trợ cấp).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại Hội nghị

Những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Giai đoạn 2005 - 2010 chỉ có 25 vụ việc, đã tăng lên 109 vụ trong giai đoạn 2016 – tháng 9/2021.

Việc tăng cường thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật phòng vệ thương mại, phòng, chống bán phá giá trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do - FTA.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, để ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, phòng vệ thương mại không còn là khái niệm mới, nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động. Vì vậy, doanh nghiệp chịu thiệt hại khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc khi bị nước ngoài điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại.

Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí

Theo ông Phan Xuân Thủy, việc tổ chức hội nghị này nhằm chủ động cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, nhất là các phóng viên theo dõi lĩnh vực kinh tế, để báo chí có cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới. Qua đó, góp phần làm cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn vấn đề phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên trường quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn