Chuyện tình của anh Lê Đình Quý (29 tuổi, quê Thanh Hóa) - Phó đại đội trưởng, công tác tại Tiểu đoàn Phòng hóa 38, bộ Tham mưu, Quân đoàn 4 và cô giáo Nguyễn Thị Hợi (28 tuổi, quê Phú Yên) bắt đầu bằng dòng tin nhắn email trao đổi về công việc.
Năm 2018, trường mầm non của cô giáo Hợi tổ chức chương trình "Một ngày làm chiến sĩ". anh Quý được giao nhiệm vụ dẫn đoàn các cô, các bé đi tham quan đơn vị. Khi đến phần giao lưu văn nghệ, anh Quý và cô Hợi làm MC dẫn chung một sân khấu. Nhưng Hợi khi đó chẳng may may để ý đến chàng bộ đội điển trai.
"Trước giờ mình chưa bao giờ va chạm với ngành nghề này, chưa bao giờ nghĩ, ừ sau này sẽ quen một anh bộ đội hay công an đâu. Mình chỉ tập trung vào các bé thôi, phải làm sao đảm bảo an toàn cho các con. Lúc ăn cơm, có anh Quý ở đó, nhưng cũng chỉ mời nhau ly nước chứ không có gì đặc biệt.
Lần đầu tiên cả hai liên lạc với nhau là qua gmail, vì làm MC nên anh gửi email chương trình cho mình. Hai vợ chồng hồi đó xưng chú - cô chứ không phải anh - em", Hợi kể.
Qua tiếp xúc, anh Quý cảm mến nữ giáo viên mầm non duyên dáng lúc nào không hay. Anh xin Facebook, thi thoảng vào bình luận ảnh, "bông đùa" vài câu.
"Cô thích đi đâu chơi? Chú sẽ dẫn đi chơi", anh Quý nhắn tin ngỏ lời làm quen với Hợi. Nhưng phải cưa cẩm gần 1 năm, cả hai mới chính thức thành đôi. Sau này, Quý mới đề xuất thay đổi cách xưng hô sang anh - em cho tình cảm, gần gũi.
Chàng bộ đội dí dỏm kể về lần cầu hôn bất ngờ với cô giáo: "Hôm đó mình được nghỉ, hẹn cô ấy ra ngoài đi chơi rồi đưa cô đi mua nhẫn luôn. Cho cô ấy đeo thử, vừa đeo xong thì mình bảo: Vừa rồi em ơi, như vậy là em đồng ý làm vợ anh nha". Pha "hỏi vợ" chớp nhoáng khiến Hợi hạnh phúc, gật đầu đồng ý.
Lấy chồng bộ đội, Hợi thấu hiểu và cảm thông hơn bao giờ hết về đặc thù công việc, ngành nghề của chồng. Song nữ giáo viên tâm sự, thời điểm ban đầu, có những rào cản, hiểu lầm khiến cả hai từng xảy ra cãi vã lớn.
"Thường mỗi tháng, anh được nghỉ phép ra ngoài khoảng 1 lần, tầm khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Hôm đó anh bảo, em nấu cơm đi, mai anh xin nghỉ về nhà ăn cơm với em. Sáng đó mình đi chợ rất sớm, nấu cơm chuẩn bị các món đầy đủ xong ngồi chờ.
Mình không dám làm phiền vì lúc anh đang làm, mình muốn anh tập trung, không xao nhãng vào việc khác. Chờ miết đến 12h trưa, không thấy gì nên đành nhắn tin cho anh", Hợi kể.
Cuộc hội thoại sau đó khiến cô "bốc hỏa" vì Quý đã quên sạch lời hẹn ngày hôm trước.
"- Anh đang làm gì đó?
- Anh đang đi công tác.
- Ủa sao anh hẹn hôm qua về ăn cơm mà?
- Anh nói vậy để em nấu cơm em ăn thôi".
Tin nhắn của Quý khiến Hợi thất vọng toàn tập, cô không nhắn tin, trò chuyện gì thêm nữa. Hợi suy nghĩ trong đầu chắc cả hai không phải tuýp người đối phương tìm kiếm. Vì nếu coi trọng nhau thì sẽ không bao giờ quên những lịch hẹn quan trọng.
"Anh coi đó là lời nói đùa, nên cuộc tình chắc cũng chỉ là đùa thôi", Hợi buồn rầu. Suốt 3 tuần, Quý nhắn tin, gọi điện nhưng Hợi không bắt máy. Chàng bộ đội đã phải đến tận nhà bạn gái để làm lành.
"Sợ phiền đến hàng xóm nên mình đành ra gặp anh. Mình hỏi anh đi đâu đây, anh bảo anh qua thăm em. Mình nói rõ, công việc của anh như vậy nhưng đâu đến mức không cho anh 3 giây hay 3 phút trả lời tin nhắn. Anh có thể bảo: "Ừ em ăn cơm trước đi, hôm sau mình cùng ăn" cũng được mà.
Anh năn nỉ, giải thích, mình cũng mủi lòng. Mình nói với anh, kể từ giờ về sau anh đừng bao giờ bắt em phải nấu cơm nữa", cô giáo cá tính nhớ lại.
Sau lần bất hòa, cặp đôi học cách tin tưởng, thấu hiểu nhau hơn. Sợ vợ ở nhà một mình buồn, Quý đón thêm một bé cún nhỏ về nuôi cho vui cửa vui nhà. Trải qua thời gian chung sống, chàng bộ đội 29 tuổi gửi lời cảm ơn tới người bạn đời đã luôn làm hậu phương vững chắc phía sau.
"Cảm ơn em đã luôn bên cạnh, yêu thương và chăm lo cho cuộc sống của anh. Anh hứa sẽ luôn che chở, yêu thương em đến suốt cuộc đời".
Nguồn: Vợ chồng son Quân đội
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn