Phó giáo sư trẻ ‘5 trong 1’

23:22 | 24/02/2016;
Chị là Nguyễn Vũ Thanh Thanh, phó giáo sư trẻ nhất ngành Sinh học Việt Nam. Vừa tham gia công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học lẫn công tác xã hội mà chị vẫn tròn vai nội tướng.

“Khoa học là đam mê, gia đình là bến bình yên”

Vào ngày 23 tháng Chạp, trong khi những người phụ nữ khác tất bật chợ búa để chuẩn bị cho mâm cơm tiễn đưa ông Táo chầu trời thì PGS.TS Nguyễn Vũ Thanh Thanh (SN 1978), Trưởng Khoa Khoa học Sự sống, Trường Đại học Khoa học (thuộc Đại học Thái Nguyên) vẫn phải rời khỏi nhà từ sớm để tham dự một buổi hội thảo chuyên ngành.

Đêm hôm trước, chị mới từ Hà Nội trở về sau khi dự lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của người học trò. Dù là những ngày giáp Tết bận bịu nhưng chị khẳng định chắc nịch: “Học trò bảo vệ, mình không thể vắng mặt”.

Trưa 23, chị Thanh mới tranh thủ giờ nghỉ giải lao để vòng ra chợ chuẩn bị đồ cúng lễ, rồi lại về trường tiếp tục công việc. Từ lâu nay, chị vẫn được bạn bè, đồng nghiệp mệnh danh là người phụ nữ '5 trong 1': Vừa làm công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công tác xã hội và “nội tướng” gia đình.

Một ngày của chị Thanh Thanh bắt đầu bằng việc tiễn con đến trường từ rất sớm. "Cả hai vợ chồng đều bận. Tuy nhiên, tôi không muốn con mình cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình”, chị Thanh chia sẻ.

Ở trường, ngày nào không có tiết giảng sớm, chị Thanh Thanh thường tranh thủ xem và chỉnh sửa những bài nghiên cứu của học trò, hoặc vào phòng thí nghiệm để tiếp tục các công trình dang dở. Thi thoảng, chị cùng các đồng nghiệp tham gia những hoạt động xã hội hay hội thảo chuyên ngành. Như bao người phụ nữ tất bật với chuyên môn, hôm nào cũng phải đến tối mịt mới trở về nhà.

Chị Thanh Thanh trong một giờ lên lớp giảng bài cho sinh viên

Hiện chị Thanh Thanh đã có 2 thiên thần, một bé lên lớp 6 và một bé 6 tuổi. Với chị Thanh Thanh, khoa học là niềm đam mê, khát vọng chinh phục và cống hiến còn gia đình là tổ ấm bình yên. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, chị lại dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Chủ nhật đẹp trời, cả nhà chị ra phố, đi chơi đâu đó hay đơn giản chỉ là tản bộ. Hàng ngày, sau những bộn bề bếp núc, chị lại ngồi bên các con, xem cháu bé chơi, dạy cháu lớn học. “Nếu đến trường, công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học cứ cuốn mình theo thì về đến nhà, hai đứa nhỏ lại cuốn tôi vào cuộc sống của chúng”.

Trở về nhà sau một ngày bận rộn với công việc, chị Thanh Thanh lại chu tất công việc bếp núc, dọn dẹp

Khi các con đã ngon giấc, nhà khoa học ấy lại thức thâu đêm để miệt mài với công trình nghiên cứu của mình. “Có nhiều đêm tôi chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ. Chồng tôi cũng là người làm khoa học nên vợ chồng luôn có sự chia sẻ, đồng cảm, tương trợ lẫn nhau ” – chị kể. Niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng nhà khoa học trẻ càng được nhân lên khi cuối năm 2015, chồng chị Thanh Thanh được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Thái Nguyên).

Buổi tối là thời gian chị Thanh ở bên con nhiều nhất, dạy con học và cùng con chơi

Vượt qua nỗi đau của người mẹ mất con

Nhớ lại những năm tháng phấn đấu trên con đường học vấn, chị Thanh Thanh không giấu được niềm xúc động. Trong thời gian đang học cao học, đứa con đầu lòng của chị không may bị bệnh và mất khi cháu mới chừng một tuổi. Nỗi đau trong trái tim người mẹ đè nặng khiến có lúc, chị tưởng mình không ngượng dậy nổi. Nhưng nghĩ đến tương lai phía trước, chị lại lao vào học tập, nghiên cứu và bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về Di truyền học 2 năm sau đó.

Thời gian sau, chị tiếp tục ghi tên nghiên cứu sinh và về Hà Nội làm công tác nghiên cứu. Khi ấy, đứa con sau của chị Thanh Thanh mới được 1 tuổi. Không đành lòng xa con, chị Thanh Thanh đã mang cả cháu xuống Hà Nội để nghiên cứu. Thấy vậy, mẹ chồng chị thương con dâu và cháu nội, bà cũng rời Thái Nguyên xuống Hà Nội để lo cơm nước, chăm sóc cháu nhỏ cho chị chuyên tâm nghiên cứu.

Chị Thanh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu phương pháp đột biến gene

Năm 1996, theo định hướng của bố mẹ, Nguyễn Vũ Thanh Thanh thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên với một mong ước thật giản dị, đó là trở thành bác sĩ để sau này có thể chăm sóc sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng.

Thế nhưng, mới hết 2 năm đại cương của trường Y, chị quyết định chuyển sang học tại Khoa Sinh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Quyết định của chị không làm bạn bè, người thân bỡ ngỡ bởi ngay từ nhỏ, chị đã có niềm đam mê và yêu thích sinh học.

Năm 2012, chị Thanh Thanh vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư về lĩnh vực Sinh học, và trở thành nữ Phó Giáo sư trẻ nhất của ngành Sinh học Việt Nam khi mới 34 tuổi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Thanh Thanh hiện còn là đại biểu hội đồng của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhiệm kì 2011-2016.

Nhìn lại con đường đã qua, người phụ nữ ấy mỉm cười dung dị: “Công việc, cuộc sống cứ cuốn mình đi đến nỗi mình không còn thấy vất vả, bộn bề và cũng quên luôn cả thời gian”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn