“Phố song hỷ” ở TPHCM hồi sinh sau đại dịch

09:54 | 01/09/2022;
Con đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, TPHCM) từ lâu được mệnh danh là “phố song hỷ”. Nơi đây tập trung các cửa hàng chuyên kinh doanh dịch vụ cưới hỏi. Sau một thời gian trầm lắng vì dịch Covid-19, con đường này dần sôi động trở lại trong mùa cưới năm nay.

"Buôn có bạn, bán có phường"

Đường Hồ Văn Huê dài gần 2km với những cửa hàng studio - áo cưới lớn nhỏ nằm cạnh nhau. Theo lý giải thích của một số chủ cửa hàng kinh doanh áo cưới trên con đường này, nơi đây có vỉa hè rộng, thoáng đãng, các ngôi nhà được xây dựng kiên cố và gần với các trung tâm hội nghị, tiệc cưới nên được nhiều người chọn làm nơi kinh doanh. 

Anh Trần Hồng Phú, chủ cửa hàng áo cưới Ahihi (đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận, TPHCM), chia sẻ: "Nhiều studio mọc san sát nên độ cạnh tranh cao hơn nhưng đó cũng là ưu thế của con đường. Khi khách tìm đến dịch vụ cưới là nghĩ ngay đến đường Hồ Văn Huê. Vì vậy, mình chọn thuê mặt bằng ở đây để mở studio. Ở góc độ kinh doanh, việc tập trung về một chỗ sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng. Con đường có nhiều dịch vụ như cho thuê áo dài ông bà sui, trang trí xe hoa, in thiệp… khách hàng chỉ cần đến đường Hồ Văn Huê là có thể chọn dịch vụ từ A - Z cho ngày cưới của mình, khỏi phải đi tìm kiếm nhiều nơi".

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, chủ cửa hàng áo dài Ngọc Bích trên đường Hồ Văn Huê, kể: "Lúc trước, mọi người thường hay ra đường 3/2 để thuê áo cưới. Sau đó, giá thuê mặt bằng cao quá nên chuyển dần sang đường Hồ Văn Huê. Hồi trước, nguyên con đường này đẹp lắm mà chỉ 2 năm dịch là thấy khác hẳn. Lúc trước cỡ chiều chiều đi qua là thấy áo dài và đồ cưới từ đầu đường đến cuối đường. Mọi người thắp đèn sáng trưng, studio nào cũng sáng rực, lộng lẫy. Nhưng sau đó bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh bị trầm lắng. Đến nay, nhiều người mới bắt đầu mở lại".

“Phố song hỷ” hồi sinh sau đại dịch - Ảnh 1.

"Phố song hỷ" dài gần 2km, tập trung những cửa hàng studio - áo cưới lớn nhỏ

Anh Văn Sơn, một thợ sửa quần áo lâu năm tại đường Hồ Văn Huê, cho hay: "Tôi làm nghề sửa quần áo ở đây từ năm 1994 đến nay. Lúc trước đường này là đường 2 chiều và vắng lắm, mọi người cũng buôn bán quần áo, điện thoại như bao nơi khác. Nhưng từ năm 2012 đến nay, các cửa hàng áo cưới, dịch vụ cưới tập trung về đông, con đường sôi động hẳn ra. "Buôn có bạn bán có phường", làm không tập trung người ta không để ý. Trước khi có dịch Covid-19, các cửa hàng san sát nhau chứ không phải thưa như bây giờ. Ngày trước nhà này nối tiếp nhà kia làm dịch vụ cưới. Hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi thấy họ trả mặt bằng rất nhiều, số lượng cửa hàng áo cưới giảm đi 30%-40% rồi. Nay mới rục rịch có người thuê và mở dần lại".

Sôi động trở lại

Đường Hồ Văn Huê tập trung nhiều dịch vụ cưới. Mỗi cửa hàng lại có những sản phẩm, dịch vụ khác nhau và đáp ứng các nhu cầu, từ may, thuê đến mua trang phục cưới, áo dài ông bà sui, chụp hình, làm album cưới, trang điểm, quay phim, trang trí gia tiên, kết hoa cưới cầm tay... 

"Bên mình có phân khúc khách hàng tầm trung nên giá cả phải chăng. Sau mùa dịch, cũng có nhiều studio không bám trụ được phải trả mặt bằng. Nhưng tới hiện tại, cửa hàng của tôi đã có lượng khách ổn định trở lại. Lượng khách mùa cưới năm nay tăng 30%-50% so với trước dịch. Có thể do 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các cô dâu, chú rể chưa tổ chức được nên đợt này tổ chức bù. Số lượng khách hàng vì vậy tăng hơn", anh Trần Hồng Phú cho biết.

Với cửa hàng nối tiếp cửa hàng, đủ mức giá, dịch vụ, con đường Hồ Văn Huê là nơi đến của nhiều đôi uyên ương, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một mục đích là đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn