"Đây là các vấn đề hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe, đời sống của nhân dân và cũng đang là vấn đề nổi lên trong thực tiễn quản lý, đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, thậm chí còn một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận, như chưa khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng…
"Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế bất cập, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về việc thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ thể chế, nhất là quy định đấu thầu, mua sắm và giải quyết vướng mắc cụ thể. "Cơ bản đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, song vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập, nhất là thuốc đặc thù. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thời điểm thiếu hụt một số loại thuốc trên thị trường thế giới, trong nước và còn tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm của các cơ sở y tế" - ông Long nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới phải thực hiện nghiêm quy định, có kế hoạch cụ thể, chủ động hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm công vụ của các đơn vị thuộc Bộ Y tế có liên quan, của lãnh đạo địa phương có liên quan và kể cả giám đốc các bệnh viện.
Về quản lý thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định liên quan đến tất cả các khâu, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các lực lượng có liên quan.
Về quản lý an toàn thực phẩm, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đây là vấn đề được đề được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, còn nhiều quan điểm trái chiều, trong đó có ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp quản lý phù hợp để tăng cường quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để báo cáo Quốc hội. Đồng thời giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để sớm báo cáo Quốc hội.
3 chân kiềng ngành y tế đều đang rất khó khăn
Trước đó, tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TPHCM - khi chất vấn Bộ trưởng Y tế đã đưa ra nhận định "cả 3 chân kiềng ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn".
"Các bệnh nhân thiếu thuốc phải tự mua thuốc bảo hiểm y tế trong thời gian qua và cho tới giờ vẫn chưa có một động thái nào về phía cơ quan chức năng để có thể đền bù lại chi phí này", bà Lan đặt vấn đề.
Nữ đại biểu này cũng đặt câu hỏi: "Bao giờ Bộ sẽ có tổng kết chính thức về mô hình xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh để thật sự tăng tính tự chủ của các cơ sở, chứ không chỉ cắt giảm về chi từ ngân sách. Bộ trưởng có đấu tranh gì để tăng ngân sách đầu tư cho ngành y tế?".
Về dự phòng, bà Lan hỏi về thu nhập của nhân viên y tế và tình trạng xin nghỉ việc của đội ngũ này. "Nếu dịch bệnh quay trở lại, ngành y tế có tự tin ứng phó được hay không?", đại biểu TPHCM chất vấn nữ Bộ trưởng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn