Những điều bất ổn trong cuộc sống đang ngày càng tích tụ nhiều hơn. Hãy thử mang thân thể và tâm hồn của mình đặt vào những chuyện nhỏ nhặt và vui vẻ trong cuộc sống, để bản thân sống trọn vẹn đúng nghĩa.
Sống như thế nào mới hạnh phúc?
Câu hỏi khiến người ta không khỏi nhớ đến “Hygge” (phát âm là "hue-guh" hoặc "hoo-gah") - một từ chứa đựng phong cách sống của người Đan Mạch: Tối giản, nhẹ nhàng, mưu cầu hạnh phúc và ấm cúng trong những điều đơn giản, nhỏ bé.
Tất cả những triết lý cuộc sống có thể tạo ra một cảm giác hạnh phúc nhỏ nhoi hầu như đều có thể gói gọn trong từ Hygge này. Bất kể tận hưởng tự nhiên, cân bằng cuộc sống và công việc, sở hữu cảm giác an toàn vững chắc… đều có thể được tìm thấy trong một cây nến thơm, đôi vớ mềm, tách cafe nóng, chiếc áo rộng thoải mái, bóng đèn ngủ mờ ảo…
Cùng chiêm nghiệm phong cách sống của 3 người Đan Mạch sống ở thủ đô Copenhagen, bạn sẽ hiểu ngay Hygge là gì.
Ở Đan Mạch, thẩm mỹ rất được xem trọng đến nỗi người dân ai cũng có gu thẩm mỹ vượt quá tầm thường.
Giám đốc bảo tàng, Anne-Louise Sommer nói về cảm giác thẩm mỹ của người Đan Mạch: “Giống như rừng xanh sâu thẳm, bạn không thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng, đâu đâu cũng là cây cối. Bạn bị chúng bao vây, khắp nơi tràn ngập màu xanh và gỗ. Bạn không thể ý thức được tầm quan trọng của nó”.
Theo bà, ý thức thẩm mỹ đã sớm manh nha trong tim mỗi người dân Đan Mạch trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Mới mấy năm trước, “phong cách Bắc Âu” trở thành phong trào thiết kế nhà ở lan tỏa khắp toàn cầu. Nhưng hầu như người ta chỉ quan tâm đến tác động thị giác, nhưng lại ít chú ý phong cách sống phía sau gu thẩm mỹ này.
Nhà là trung tâm giao tiếp xã hội của người Đan Mạch. Bạn bè, người thân cùng trải nghiệm mọi thứ tại nhà riêng, như vậy mới được gọi là Hygge. Đó là lý do vì sao họ bỏ nhiều thời gian và sức lực để chọn đồ dùng gia dụng kỹ càng.
Lấy Hygge làm triết lý sống chủ đạo, “thẩm mỹ” đã ăn sâu vào văn hóa người Đan Mạch.
Anne-Louise Sommer cho rằng, ở Đan Mạch, một sản phẩm thiết kế đẹp là phương án giải quyết mà nhà thiết kế đưa ra để thỏa mãn nhu cầu đặc thù của con người. “Nó có thể rất đắt, có thể không đắt và cũng có thể rất phải chăng”.
Đương nhiên, dưới điều kiện hoàn cảnh sống đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, tính sử dụng lâu dài của đồ dùng được xem trọng nhiều hơn.
Nếu một cái ghế dùng hơn 10 năm bị mài mòn hoặc hư hỏng, bạn sẽ muốn đổi cái mới. Nhưng chúng ta vẫn có thể sửa chữa nó hoặc ban tặng cho nó cuộc sống mới. “Chúng tôi thích những vật có câu chuyện. Bạn sở hữu những thứ mà ông bà tổ tiên để lại, đó chính là đồ vật chứa đựng câu chuyện gia đình. Điều này khiến vật vô tri vô giác trở nên cá tính hóa”.
Trên thực tế, không ai có thể phủ nhận tác dụng “chữa lành” của thiên nhiên đối với người sống ở thành thị quá lâu.
Nguyên nhân giúp các nhà hàng kiểu nông trại được đón nhận là vì người ta cần sử dụng cả 5 giác quan giao tiếp với tự nhiên, dần dần giải phóng những mỏi mệt trong nội tâm.
Ở Đan Mạch, người thành phố trồng rau, làm nông nghiệp là chuyện thường ngày.
ØsterGro là nông trại trên mái nhà và Gro Spiseri là nhà hàng rooftop chính hiệu. Tại đây, chúng ta được trải nghiệm công việc thu hoạch rau tươi, chứng kiến tận mắt quá trình làm nên bữa ăn gia đình đầy tính mỹ thực.
ØsterGro được thành lập năm 2014, tọa lạc trên mái của tòa nhà đấu giá xe hơi cũ, chiếm diện tích 600 mét vuông, trồng rất nhiều cây ăn quả và rau xanh, còn có nhà kính, ổ gà và nhà nuôi ong.
Họ là đại gia đình gồm 40 hội viên, làm nông và cung cấp rau xanh, trứng gà và mật ong. Cùng các tình nguyện viên trồng trọt, học hỏi và nghiên cứu những phương pháp làm nông mới.
Gro Spiseri nằm gọn trong nông trại ØsterGro, mở cửa phục vụ tất cả mọi người, cung cấp trải nghiệm dùng bữa trong môi trường được bao quanh bởi hoa màu được trồng theo mùa vụ.
Giám đốc nhà hàng Gro Spiseri là Lotte Sirdorf, chia sẻ rằng, thứ Tư hàng tuần là ngày tình nguyện của nông trại, có khoảng 20-25 tình nguyện viên đến trồng trọt từ 1 tiếng hoặc cả ngày. Giám đốc nông trại sẽ lên kế hoạch làm việc cho ngày hôm đó, bao gồm thu hoạch, nhổ cỏ, lấy phân gà làm phân bón cho vườn hoa…
“Vài giờ đồng hồ ở nông trại giống như một khóa tu kiểu nhỏ”, Lotte Sirdorf cảm thán.
40 hội viên đến từ vùng lân cận, đa số họ đều là người có gia đình, đến đây trồng rau nuôi gà là một cách để họ thả lỏng tâm hồn, trở thành thói quen không thể thiếu.
Gro Spiseri không có thực đơn, mà sẽ nấu các món phụ thuộc và nguyên liệu thu hoạch ở nông trại và thay đổi theo mùa.
Trong xã hội nông nghiệp, tiếp xúc với ruộng đồng, núi rừng, con nước bờ sông, tuân theo quy luật tuần hoàn tự nhiên, ăn uống theo mùa là chuyện thường tình. Song, sau khi bước vào thời đại công nghiệp hóa và đô thị hóa, đất xanh bị thu hẹp, mật độ dân số tăng cao, cơ hội tiếp xúc với tự nhiên trở nên hiếm hoi.
Lotte Sirdorf cho biết, đầu bếp nhà hàng của anh là người am hiểu về nguyên liệu theo mùa. Mùa hạ, nguyên liệu phong phú thì không sao. Nhưng đến mùa đông, đầu bếp phải tìm cách để vẫn có thể làm ra món ngon bằng nguyên liệu bị hạn chế.
Cách hoạt động của nhà hàng này nhắc chúng ta nên thuận theo thời tiết và tự nhiên, để ăn, để cảm nhận và để sống Hygge nhất có thể.
Trung tâm nghiên cứu hạnh phúc là nơi tận lực nghiên cứu cảm giác hạnh phúc và chất lượng cuộc sống.
CEO của trung tâm, anh Meik Wiking đã xuất bản cuốn “Vì sao người Đan Mạch hạnh phúc”.
Anh cho rằng: “Tiền rất quan trọng, sức khỏe cũng quan trọng, công việc quan trọng không kém. Nhưng mối quan hệ lại quan trọng hơn cả. Ví dụ như con người có cảm thấy hài lòng với những mối quan hệ hiện tại hay không”.
Đặc biệt là thời gian 3 năm trước, dịch bệnh phong tỏa khiến nhiều người ý thức được tầm quan trọng của việc gặp mặt trực tiếp và liên lạc với nhau.
Tiếp cận với tự nhiên có lẽ là nhu cầu trong bản năng của con người. Vào công viên, đi bộ trên vỉa hè, đạp xe… đều tiếp xúc với thiên nhiên. So với việc giao tiếp trong phòng kín, hoạt động ngoài trời mang lại trải nghiệm khác hẳn, là điều mà điện thoại, máy tính, tivi không thể tạo ra được.
Meik Wiking cho rằng xe đạp là thứ rất hữu ích giúp mang lại cảm giác hạnh phúc cho con người, đặc biệt là người dân thành thị, vừa tiết kiệm năng lượng vừa bảo vệ môi trường.
“Tôi cho rằng nguyên tắc quan trọng trong thiết kế xây dựng thành phố là tạo sự thuận lợi cho người đi bộ và đạp xe, hoặc ít nhất là vì người dân chứ không phải xe hơi. Nếu có thể, tôi chấp nhận đạp xe đi làm, đi bộ đến siêu thị, đi bộ ra công viên… như vậy tôi có thể gặp hàng xóm, bắt chuyện vài ba câu, gia tăng tình cảm”.
Theo Meik Wiking, nếu sáng tạo một thành phố mang tính kết nối cộng đồng cao, bạn có thể gặp được nhiều người cùng chung quan điểm, có cơ hội trở thành bạn bè, chiêm nghiệm cuộc sống.
(Nguồn: Thepaper)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn