Chiều 27/7/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn và đoàn công tác đã kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân nặng của BV Thống Nhất Đồng Nai và BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến sáng ngày 27/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.891 người nhiễm Covid-19. Trong đó, TP. Biên Hòa nhiều nhất với 1.589 người, huyện Vĩnh Cửu 334 người, huyện Nhơn Trạch 293 người, huyện Thống Nhất 184 người. Số người được công bố khỏi bệnh là 158 người. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, 21 trường hợp diễn tiến nguy kịch, 47 ca bệnh có diễn tiến nặng (viêm phổi nặng).
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ thầy thuốc tỉnh Đồng Nai đang ngày đêm chống dịch, GS.TS Trần Văn Thuấn mong muốn thầy thuốc của 2 BV tiếp tục nỗ lực hơn nữa, rà soát và luôn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, thiết lập ngay hệ thống Telehealth để thầy thuốc tuyến trên như BV ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai có thể hỗ trợ từ xa… GS.TS Trần Văn Thuấn nhắc nhở các BV phải kiểm soát nhiễm khuẩn BV thật tốt, "bảo vệ tối đa cho thầy thuốc tuyến đầu để họ yên tâm làm nhiệm vụ, sẵn sàng hỗ trợ cho TPHCM khi cần thiết".
Chiều ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre. Đây là ngày thứ 9 các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại cuộc họp, Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, từ ca nhiễm đầu tiên hôm 4/7, đến nay số trường hợp dương tính với Covid-19 đã tăng lên 144 ca và 1.190 F1 đang cách ly tập trung.
Tỉnh lập hơn 1.000 tổ Covid-19 cộng đồng và hơn 100 chốt tại nhiều điểm trên địa bàn để đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16 "ở trong chặt và ở ngoài cũng chặt"; đã thiết lập 10 vùng cách ly y tế trên địa bàn.
Tại An Giang, trong 3 ngày gần đây (25-27/7), số ca mắc tăng mạnh với hơn 110 ca, chủ yếu là đối tượng F1 chuyển thành bệnh nhân. Hiện toàn tỉnh đang có 175 trường hợp. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan, do đó, dự kiến số ca bệnh sẽ gia tăng.
Tại Tiền Giang, từ ngày 5/6 đến nay, tỉnh có hơn 2.052 bệnh nhân, 231 ca khỏi, 32 ca tử vong. Hiện tất cả các địa phương trong tỉnh đều có ca mắc Covid-19. Đại diện tỉnh Tiền Giang thẳng thắn cho biết, những ngày gần đây số ca nhiễm tăng nhanh. Nếu thời gian đầu chỉ khoảng 30 ca/ngày thì mấy ngày qua tăng nhanh, có ngày tăng lên 200 ca. Toàn tỉnh đã thành lập 291 Tổ truy vết.
Tại Bến Tre, từ 3/7 đến nay đã ghi nhận 585 trường hợp dương tính với COVID-19; 8/9 huyện, thị đã có bệnh nhân COVID-19.
Tại cuộc họp, đại diện 4 tỉnh này cho biết đã được phân bổ khoảng 395.000 liều vaccine cho 3 đợt tiêm, đến nay, các tỉnh đang bắt đầu tiêm đợt 3.
Tại cuộc họp, TS. Đăng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn, số ca dương tính của 5 địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng "bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo", bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu. Đồng thời, các địa phương cũng cần rà soát, chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất về cách ly.
Liên quan đến công tác cách ly, phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nhấn mạnh, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về phòng chống dịch và đảm bảo toàn trong các khu công nghiệp do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn này. Đồng thời các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch ngay cả ở các doanh nghiệp thực hiện "2 điểm đến, 1 an toàn" và phải yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch ngay từ khi chưa có ca bệnh. Tránh tình trạng bị động, lúng túng khi có dịch.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dự báo tình hình dịch của 4 tỉnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. "Tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc trong 9 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của các tỉnh vẫn tăng cao. Đây là thời gian vàng, phải thực hiện đồng bộ "chặt trong - chặt ngoài", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Về phòng chống dịch trong cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị phải tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn phong tỏa, phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm.
Trước dự báo số ca mắc có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trong đó, Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế. Đồng thời, kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng với đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.
"Về các trang thiết bị Bộ Y tế đã thông tin sẽ cấp phát cho các địa phương, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển về. Tuy nhiên, các địa phương phải phát huy năng lực 4 tại chỗ, chủ động trong phòng chống dịch", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn