Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần sự tiếp tục chung tay của các bộ, ngành và mỗi người dân

09:31 | 22/11/2023;
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, và sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Con số rõ nét nhất chính là tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Trong đó nam giới giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% vào năm 2022.

Theo Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trong gần 10 năm qua, mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc với trên 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội, 63 tỉnh, thành phố và một số bệnh viện trung ương.

Phòng chống tác hại thuốc lá: Hiệu quả nhưng chưa đủ, cần sự tiếp tục chung tay của các bộ, ngành và mỗi người dân- Ảnh 1.

ThS. BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)

Đặc biệt, các biện pháp cai nghiện thuốc lá được duy trì, đẩy mạnh giúp cho tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng. Cụ thể, từ 2015-2020, tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.

Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606) và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh (1800-1214), đồng thời hỗ trợ 9 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Kết quả giai đoạn 2021-2022, đã có 16.205 lượt tư vấn qua tổng đài; 42.387 lượt tư vấn trực tiếp tại các bệnh viện. Trong số đó đã có 7.541 người bỏ thuốc lá sau khi được tư vấn.

Theo bà Phan Thị Hải, công tác truyền thông về tái hại thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc trong những năm qua được tổ chức thường xuyên trên phạm vi hoàn quốc. Hoạt động truyền thông được thực hiện qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các buổi giao lưu tại cộng đồng, các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về tác hại thuốc lá; truyền thông lưu động tại các xã phường, làng bản; nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp tại các cơ sở y tế, trường học. Các sự kiện truyền thông tại cộng đồng được lồng ghép vào các sự kiện văn hoá, thể thao để lan toả thông điệp về tác hại thuốc lá.

Phòng chống tác hại thuốc lá: Hiệu quả nhưng chưa đủ, cần sự tiếp tục chung tay của các bộ, ngành và mỗi người dân- Ảnh 2.

Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.927 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,277 tỷ đồng

"Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức phát hành bộ tem bưu chính về "Phòng chống tác hại thuốc lá"; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tiêu chí không hút thuốc vào hệ thống các tiêu chí công nhận gia đình, thôn làng, xã văn hoá. Đồng thời tổ chức sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 không khói thuốc, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 không khói thuốc; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị và tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở; Hội LHPN Việt Nam triển khai mô hình "Gia đình có sức khỏe - không khói thuốc" và "Câu lạc bộ Tổ ấm không khói thuốc". 

Ngoài ra, còn có một số sự kiện văn hóa tại địa phương như "Festival Huế không khói thuốc", "Lễ hội "Đền Hùng không khói thuốc", "Giao lưu văn hoá Hội An - Nhật Bản lần thứ 16 không khói thuốc"... - bà Phan Thị Hải cho biết.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng các đợt kiểm tra, thanh tra và số tiền sử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.927 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.277 tỷ đồng.

Những kết quả này đạt được là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội. "Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp này cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam", bà Phan Thị Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và những thuận lợi, Phó Giám đốc Quỹ cũng cho biết, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ, người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng.

Trong nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử được ngành công nghiệp thuốc lá đa quốc gia quảng cáo và giới thiệu với các thông tin không đầy đủ, sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Bà Phan Thị Hải cho rằng, trong gần 10 năm qua, công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn chưa đủ, cần sự tiếp tục chung tay của các bộ, ngành và mỗi người dân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn