Phòng, chống tham nhũng: Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân

22:50 | 25/06/2018;
Ngày 25/6, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì, đã có nhiều ý kiến góp ý nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Hiền Hòa

 

Nhiều đại biểu đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, kiên quyết không có "vùng cấm" trong xử lý vụ án tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Nhiều ý kiến cho rằng bài học thành công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ thực tế thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là rất quan trọng và cấp thiết.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải gương mẫu thực hiện xác định trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động tự phát hiện vụ việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách, xác định kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là tiêu chí, thước đo, phẩm chất và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. 

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị theo quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nhằm xác định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần giải quyết thấu đáo những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra với cơ chế rõ rệt, đủ mạnh, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

"Làm sao để nhân dân thấy được kết quả đột phá từ công tác này và cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng? Cơ chế vinh danh, khen thưởng? đều là những nội dung hết sức thiết thực, cần được kịp thời hoàn thiện. Để người dân không "đơn độc" và hệ thống chính trị không "độc thoại" trong công tác này"- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Thực cũng nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ý thức được vai trò, trách nhiệm "cầu nối" của mình cần được phát huy tốt hơn; sớm xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo ông Ngô Sách Thực, nhân dân phải có điều kiện được tham gia rộng rãi và phát huy vai trò giám sát, phản biện thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua các tổ chức thành viên. "Vấn đề đặt ra ở đây là câu chuyện về công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và cơ chế hậu giám sát, phản biện xã hội cần được quan tâm hơn", ông Thực kiến nghị.

 

Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ 

Cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ; nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, kể cả người nghỉ hưu; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản thu nhập…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng trong việc thu hồi tài sản cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản, bảo đảm việc thu hồi không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản.

Nhiều đại biểu nêu lên ý kiến đóng góp để làm sao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian tới hiệu quả hơn. Ảnh: Hiền Hòa

 

Thống nhất cao về ý chí và hành động trong phòng, chống tham nhũng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ rõ: Phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. 

Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước; đồng thời cần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chia rẽ nội bộ, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. 

Chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu... 

Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp", như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". 

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không "rút kinh nghiệm" chung chung... 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn