1.400 ca cần Tổng đài 111 hỗ trợ can thiệp
Trẻ em bị xâm hại tình dục là một trong những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và là đối tượng cần sự bảo vệ của toàn xã hội. Các em cần có môi trường an toàn để vui chơi, học tập ngay tại chính gia đình, trường học của mình.
Tuy nhiên, theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm năm 2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 399.500 cuộc gọi, 8.900 lượt thông báo qua ứng dụng, thực hiện 24.700 cuộc gọi tư vấn, 1.400 ca hỗ trợ can thiệp.
Thống kê của Bộ Công an cho biết, trong 9 tháng năm 2022, cả nước đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Còn theo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp Quốc hội thứ IV cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%. Con số trên chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì rất nhiều nạn nhân đã không dám lên tiếng. Một số nhóm trẻ em có thể có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn. Đó là trẻ em di cư, trẻ em khuyết tật, trẻ lang thang kiếm sống bằng những nghề như đánh giày, bán báo, bán kẹo cao su, bán vé số hoặc làm giúp việc, trông trẻ hoặc làm việc trong các nhà hàng và quán bia/rượu.
Nguyên tắc "Vì lợi ích tốt nhất của trẻ" phải được chú trọng
Theo ThS. Vũ Thị Thanh Nga, Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Thực tế, hiện tượng xâm hại tình dục ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc; họ hay dụ dỗ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngây thơ, khả năng tự vệ yếu của nạn nhân để thực hiện hành vi đồi bại. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có em mười mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ đi xâm hại. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng có nhiều dạng: Có đứa trẻ mới 14-15 tuổi nhưng có kẻ đã ngoài 60 tuổi. Thậm chí trong gia đình, trẻ bị xâm hại tình dục bởi bố đẻ và ông nội. Kẻ xâm hại tình dục cũng có khi chính là thầy giáo của trẻ- người mà hầu như cha mẹ gửi gắm hoàn toàn sự tôn kính và tin tưởng tuyệt đối.
Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây ra cho các em vết sẹo trên thân thể, mà trẻ còn phải chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ, thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi. Bên cạnh đó, do tình dục không an toàn, hậu quả có thể để lại việc mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền về tình dục, các rối loạn tình dục khi trưởng thành. Theo thống kê của Liên hợp quốc thì tỉ lệ người bị xâm hại tình dục thời thơ ấu gặp các trục trặc về tình dục cao hơn nhóm khác 90% biểu hiện ở sự suy giảm khả năng tình dục, có xu hướng tình dục đồng giới, và có trường hợp trở thành người mại dâm chuyên nghiệp hay quan hệ tình dục bừa bãi.
Bà Tăng Thị Thúy Nga - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 37 vụ liên quan đến việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em (Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 10 vụ) và Tòa án quan tâm thực hiện bảo vệ trẻ em ngay từ các phiên tòa. Khi đó, Tòa án đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc người bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, Tòa án đã thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Trong xét xử, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án vừa đảm bảo cả thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hoá; bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của bị hại, đặc biệt là các trẻ em. Bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xác định sự thật, hội đồng xét xử còn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả, cũng như những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cần sự tham gia của toàn xã hội
Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp để phòng chống, giảm thiểu, nhằm đẩy lùi hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên công tác bảo vệ trẻ em hiện nay còn gặp phải những rào cản, khó khăn như: Khâu phát hiện và báo cáo số vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, thiếu cụ thể, mô hình trợ giúp thiếu tính chuyên nghiệp.
Vì vậy, vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải huy động sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, ở giai đoạn hiện nay rất cần thiết đến mô hình trợ giúp của phòng tham vấn học đường, bởi những nhân viên tư vấn tâm lý và nhân viên công tác xã hội làm việc tại phòng tham vấn học đường sẽ là người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và can thiệp trực tiếp đối với những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại môi trường học đường.
Trong nhiều trường hợp, khi nỗi đau, căm giận quá lớn, khiến phụ huynh ngay lập tức tra hỏi đứa trẻ, bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại đã vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân, khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn. Thay vì hỗ trợ tâm lý cho trẻ, nhiều trường hợp đã vô tình gây tổn thương thêm cho trẻ khi đổ lỗi cho trẻ để sự việc xâm hại xảy ra.
Ngoài ra, không hiếm gia đình biết trẻ bị xâm hại tình dục nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Có trường hợp các em còn rất nhỏ tuổi, không ý thức và hiểu được những hành vi đó có phải là tội phạm hay không nên có khi không nói lại cho người lớn biết là mình đã bị xâm hại. Hoặc khi sự việc đã bị phát hiện thì chính các em cũng không biết hoặc không nhớ được chính xác những hành vi đã gây ra cho mình. Hoặc một số em có thể sẽ cảm thấy xấu hổ mà không dám nói.
Để có thể hỗ trợ và giảm thiểu sang chấn tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục và gia đình các em, điều quan trọng là phải đặt nguyên tắc "vì lợi ích tốt nhất của trẻ" lên hàng đầu trong các can thiệp, trợ giúp.
ThS. Vũ Thị Thanh Nga, Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cho biết, sự quan tâm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà thuộc về mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội nói chung, trong đó có vai trò của nhân viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội làm việc trong các phòng tham vấn học đường. Các hoạt động tham vấn tâm lý góp phần đáng kể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại, tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách ở trẻ.
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn