Phòng khám tư: Biết không an toàn, sao vẫn chọn?

20:50 | 14/03/2017;
Gần đây, khi điều trị tại phòng khám tư, nhiều nữ bệnh nhân đã bị tai biến, một số người đã tử vong. Dù biết phòng khám tư không an toàn nhưng vì sao nhiều chị em vẫn lựa chọn?
Trước khi xảy ra vụ việc thai phụ T.T.T.T ở Quảng Ninh bị tử vong ngày 14/3/2017 sau điều trị tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, vào tháng 12/2016, chị Q.T.M.P (SN 1979, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đến BV đa khoa Trí Đức để thăm khám. Tại đây, chị P. được chẩn đoán đau 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật cắt u 2 thùy tuyến giáp. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản. Các bác sĩ đã tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, chị P. có dấu hiệu sốc phản vệ nên được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ rồi chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong sau đó.
168.jpg
Thai phụ T.T.T.T vừa tử vong sau khi điều trị tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội
Vào chiều ngày 27/8 và sáng 28/8/2016, chị Vũ Thị Thanh P. (ở thôn Mai Nội, Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thấy mệt mỏi nên đã đến Phòng khám tư nhân Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) để điều trị. Bác sĩ tại Phòng khám Phù Lỗ cho rằng chị Thanh P. bị sốt virus nên tiến hành truyền nước. Tới trưa 28/8, tình hình sức khỏe của chị ngày càng xấu nên nhân viên phòng khám đã khuyên gia đình chuyển bệnh nhân tới BV Bắc Thăng Long. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tiếng sau khi vào viện, chị Thanh P. đã tử vong. Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và xác định, phòng khám trên đã thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế so với thời điểm thẩm định cấp phép hoạt động. Cơ sở sử dụng người hành nghề khám, chữa bệnh chưa được Sở Y tế phê duyệt tham gia khám, chữa bệnh. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động phòng khám trên.

Chiều ngày 29/8/2015, chị Nguyễn Thị Thu H. (SN 1991, ở phố Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội) đã tử vong khi mang thai 6 tuần. Gia đình cho biết, do mang thai ngoài ý muốn nên chị H. đã đến Phòng khám Sản phụ khoa Tâm Phúc (số 28 dốc phụ sản Đê La Thành, Hà Nội) để làm thủ thuật phá thai. Sau khi vào phòng khám được một lúc, nạn nhân bị đưa vào BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ngừng thở. Dù các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội đã nỗ lực cứu chữa nhưng nạn nhân không qua khỏi. Ngay sau khi chị H. tử vong, các cơ quan chức năng đã đến khám nghiệm hiện trường, mổ tử thi, đồng thời đóng cửa phòng khám đó để tìm nguyên nhân.
pha_thai_2_1.jpg
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. đã tử vong sau khi khám ở phòng khám đa khoa Tâm Phúc
Trao đổi với PNVN, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội), cho biết, các phòng khám tư nhân thường thiếu thiết bị, thiếu máy móc hiện đại, trình độ nhân viên y tế yếu. Vì vậy, khi xảy ra tai biến, họ khó xử trí mà phải chuyển đến các BV. Thực tế, chỉ có khoảng “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân. Nếu bỏ qua khoảng thời gian đó hoặc xử trí không kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao.

“Chúng tôi vẫn thường tư vấn cho chị em, nếu thăm khám hoặc điều trị các bệnh, đặc biệt là bệnh của phụ nữ thì đến các BV chuyên khoa hoặc BV lớn để được các bác sĩ chăm sóc. Bởi nếu chẳng may xảy ra tai biến thì BV có sẵn phương tiện, thiết bị và đội ngũ y bác sĩ để xử lý. Còn các phòng khám tư thì ngược lại. Như trường hợp bệnh nhân H. bị tai biến nêu trên, nếu chị ấy thăm khám và điều trị ở BV Phụ sản Hà Nội thì chắc chắn chúng tôi đã cứu được”, bác sĩ Khải cho biết.

Chỉ bệnh nhẹ mới nên đến phòng khám tư

Dù đã có nhiều vụ việc bệnh nhân gặp tai biến khi đến phòng khám tư khám và điều trị, trong đó có những nữ bệnh nhân đã tử vong, thế nhưng, vẫn còn không ít bệnh nhân lựa chọn phòng khám tư. 

Chị Lê Thị Thu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thông thường nếu mắc các bệnh phụ khoa, bệnh nhẹ thì chị lựa chọn các phòng khám tư. Trường hợp bệnh nặng, liên quan đến phẫu thuật thì mới vào BV. Lý giải điều này, chị Thu kể, khi vào BV thì thủ tục rất rườm rà. Ví như, nếu đi khám thai, phải chờ đợi để lấy được số. Chờ lấy số rồi mới xếp sổ chờ đến lượt. Khi đến lượt, bác sĩ sẽ hỏi khám gì, rồi ghi các thông tin và chuyển đến các phòng khác. Đến mỗi phòng, chị đều phải chờ đợi rất mất thời gian, tới chiều mới có kết quả. Vì thế, mỗi lần đi khám, chị phải xin nghỉ làm. Trong khi đó, nếu đến các phòng khám tư thì chỉ 1-2 tiếng sau là có kết quả thăm khám.
bv.jpg
 Cảnh đông đúc, chờ đợi quá lâu thường xảy ra ở các BV tuyến cuối. Ảnh minh họa
Còn chị Vũ Thu Huyền (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mỗi khi đến phòng khám tư, được nhân viên y tế tươi cười, chào hỏi. Bệnh nhân hỏi gì, họ nhẹ nhàng trả lời, rồi dẫn đến các phòng để thăm khám. Như thế, bệnh nhân không phải chờ lâu, lại được đón tiếp niềm nở. Trong khi đó, ở BV lớn thì chỉ cảm thấy bực tức, bởi ngoài chuyện chờ đợi, nhân viên y tế cũng chịu nhiều áp lực từ bệnh nhân. Ví như người này hỏi câu này, chưa kịp trả lời thì người khác đã hỏi. Nếu không trả lời thì bệnh nhân bảo là coi thường nên họ cũng chẳng thể niềm nở được, đôi khi còn nói lời khó nghe. Đó là chưa kể, ở một số BV công, nhiều nhân viên y tế còn vòi vĩnh, đòi phong bì. Nếu bệnh nhân không đưa hoặc không hiểu ý thì họ sẽ gây khó dễ cho bệnh nhân và người nhà. “Cũng là mất tiền nhưng ở phòng khám tư, mình cảm thấy được đối xử như thượng đế. Còn ở BV lớn thì nụ cười thật hiếm, có khi lại phải chịu bực bội”, chị Huyền nói.

Dù vậy, vẫn có nhiều bệnh nhân chấp nhận mất thời gian để đến BV thăm khám. “Mỗi lần đi BV khám, dù phải chờ đợi rất lâu nhưng tôi vẫn chấp nhận cũng bởi trình độ bác sĩ ở đó khác hẳn phòng khám tư. Họ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Trong quá trình điều trị có xảy ra vấn đề gì thì BV sẽ xử lý kịp thời”, chị Trần Thị Trang (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Ngành y tế cũng đã thừa nhận, những bất cập tại các BV lớn như quá tải, nạn phong bì, 'cò' bệnh viện… diễn ra đã lâu. Ngành y tế đã có nhiều giải pháp nhưng chưa cải thiện được nhiều. Vì vậy, người dân lựa chọn phòng khám tư cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với những bệnh thông thường, bệnh nhẹ, chị em có thể đến khám tại các phòng khám tư. Với những bệnh nặng hoặc bệnh liên quan đến phẫu thuật thì chị em nên tới các BV để được điều trị, tránh xảy ra những tai biến, thậm chí dẫn tới tử vong.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn