Phòng ngừa 3 bệnh xuân hè thường gặp

13:44 | 20/04/2020;
Thời điểm cuối xuân chuyển sang hè khi thời tiết nắng ấm nhưng thỉnh thoảng lại trở lạnh đột ngột có thể khiến cho nhiều người dễ mắc bệnh. Dưới đây là 3 bệnh xuân hè dễ mắc và cách phòng ngừa giúp bạn và gia đình khỏe mạnh khi giao mùa.

1. Thủy đậu

Khi thời tiết nồm, ẩm vào mùa xuân đặc biệt là giai đoạn chuyển từ xuân sang hè làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, thủy đậu được xem là bệnh thường gặp nhất trong khoảng giao mùa từ xuân sang hè.

Ngoài ra, thủy đậu còn là bệnh truyền nhiễm dễ lây truyền do Varicella Zoster Virus gây nên. Bệnh có thể lây truyền qua đường dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Trong khi đó thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Bệnh thủy đậu mặc dù phần lớn đều xuất hiện ở trẻ em nhưng không có nghĩa là người lớn thì không mắc bệnh.

Dấu hiệu khi bị thủy đậu: sốt, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ, có cảm giác buồn nôn và đau họng sau đó là xuất hiện các mụn nước nổi trên da. Mụn nước có thể mọc lan nhanh chóng trên da ở tay, chân và mặt và nhanh chóng lan khắp cơ thể chỉ trong 12 giờ đến 24 giờ.

Nếu bị mắc thủy đậu người bệnh cần cách ly và vệ sinh, chăm sóc tại chỗ để nhanh khỏi và không lây bệnh cho người khác. Cần tăng cường sức đề kháng, rèn luyện sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng ngừa để ngăn chặn bệnh và các biến chứng của bệnh.

2. Bệnh sốt phát ban

Sốt phát ban là bệnh xuân hè thường xuất hiện với triệu chứng: nóng sốt, trên da nổi các đốm nhỏ, nhô lên trên bề mặt, ngoài ra còn các triệu chứng đi kèm như viêm họng, ho, sổ mũi có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Tình trạng sốt phát ban do virus gây ra, virus có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể khi sử dụng chung vật dụng với người bệnh.

Triệu chứng của sốt phát ban xuất hiện từ 1 đến 2 tuần sau khi bị nhiễm virus. Có nhiều trường hợp bị sốt phát ban tuy nhiên dấu hiệu không rõ ràng hoặc không có dấu hiệu khiến người bệnh chủ quan.

Phòng ngừa các bệnh xuân hè thường gặp - Ảnh 2.

Trẻ có thể bị sốt phát ban do lây nhiễm ở nhà trẻ - Ảnh Internet

Trẻ em có thể bị sốt phát ban từ lây nhiễm ở nhà trẻ, các dấu hiệu của trẻ phụ huynh có thể phát hiện hạch bạch huyết sưng ở phần cổ của trẻ, trẻ sốt cao. Trẻ em thường bắt đầu xuất hiện các đốm đỏ, nhỏ hoặc sưng lên và lan rộng từ ngực, lưng sau đó bụng và sang cổ tay, cánh tay. Thậm chí lan xuống chân, lên mặt tùy tình trạng của trẻ và có thể biến mất sau vài giờ hoặc lâu hơn là vài ngày nhưng không để lại vết tích.

Ngoài ra trẻ còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như khó chịu, tiêu chảy nhẹ, chán ăn hoặc sưng mí mắt. Tuy bệnh không gây nguy hiểm nhưng người bệnh cần được nghỉ ngơi, uống thuốc hạ sốt và khỏi bệnh mà không để lại biến chứng.

Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu: sốt cao, liên tục không kiểm soát được dù đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt, trẻ sốt cao trên 39 độ và các nốt phát ban không tự khỏi sau 3 ngày hay các bé có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ bị tiêu chảy nhẹ khiến trẻ bị mất nước thì cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

3. Tiêu chảy cấp

Tình trạng bệnh xuân hè xuất hiện tiêu chảy cấp khi đi phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày. Các triệu chứng có thể kèm theo là nôn, mất nước, rối loạn điện giải và xuất hiện triệu chứng như đầy bụng, sôi bụng, tiêu chảy liên tục, nôn, người mệt lả.

Khi bị tiêu chảy cấp cần lập tức đến bệnh viện bởi nếu không nhận được điều trị kịp thời thì có thể khiến người bệnh bị tử vong. Không chỉ vậy, bệnh tiêu chảy cấp còn có thể tiến triển thành dịch và lây lan nhanh đặc biệt trong các khu vực đông dân, sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt, ăn uống.

Cách phòng bệnh tiêu chảy cấp hiệu quả nhất là: cần ăn uống đảm bảo vệ sinh và giữ vệ sinh nguồn nước.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn