Phong Thổ, Lai Châu: Hỗ trợ sinh kế cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số, thúc đẩy bình đẳng giới

18:43 | 29/04/2023;
Trong năm qua, nữ thanh niên dân tộc thiểu số tại huyện Phong Thổ, Lai Châu, đã được đào tạo, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh chuối sấy dẻo, sấy giòn giúp chị em có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

Chị Vàng Thị Sim, bản Huổi Loỏng, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết, nhiều tháng nay, chị cùng một nhóm chị em trong xã đi thu mua chuối của bà con. Sau đó, các chị phân loại chuối và sấy để làm ra những món chuối sấy dẻo, sấy giòn.

Được biết, chị Sim cùng các chị em trong xã đang tham gia trong một mô hình có tên gọi "Sáng kiến khởi nghiệp nhóm thanh niên sản xuất kinh doanh chuối sấy dẻo, sấy giòn" do Tổ chức Plan xây dựng và hỗ trợ. Mô hình được thành lập với 6 thành viên đều là chị em phụ nữ người Thái, độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi. 

Hỗ trợ sinh kế, thúc đẩy bình đẳng giới cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Mô hình "Sáng kiến khởi nghiệp nhóm thanh niên sản xuất kinh doanh chuối sấy dẻo, sấy giòn"

"Chúng tôi đều được tập huấn về cách sấy chuối, vận hành máy theo quy trình. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với công sức, không vất vả lại có thêm thu nhập" – chị Sim cho hay.

Chị Lù Thị Thảo Nhi, bản Phai Cát, xã Khổng Lào cho biết, với công việc này, chị em làm việc chủ yếu lúc nông nhàn hoặc có đông khách thì mới tập trung nên công việc cũng không vất vả. Hiện nay, sản phẩm chuối sấy dẻo, sấy giòn của nhóm đã trở thành sản phẩm đặc sản của huyện Phong Thổ.

Cũng theo chia sẻ của các chị em, kể từ khi tham gia dự án mô hình sản xuất kinh doanh chuối sấy này, chị em đều có thêm thu nhập trung bình từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng".

Để giúp thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, thời gian qua, Tổ chức Plan đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Hội LHPN; Đoàn thanh niên và Ban điều hành chương trình Plan của 5 xã: Dào San, Bản Lang, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn thuộc huyện Phong Thổ triển khai dự án "Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số" với nhiều hoạt động tạo sinh kế cho thanh niên, đặc biệt, trong đó có nhiều mô hình giành riêng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Phạm Thị Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào cho biết: "Sau khi triển khai dự án Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số, xã đã thành lập ban điều hành và tổ chức triển khai đến với các đoàn viên thanh niên. Hiện nay đã triển khai thành công mô hình nuôi gà, cơ sở sản xuất chuối sấy giòn, sấy dẻo. Từ đó, giúp các đoàn viên thanh niên và chị em có thêm nguồn thu nhập".

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Quản lý Tổ chức Plan tại Lai Châu chia sẻ, trong năm thứ 2 triển khai dự án này, Tổ chức Plan sẽ phối hợp triển khai chương trình dự án "Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Lai Châu", chủ yếu tập trung vào các dự án sinh kế, bình đẳng giới.

Hỗ trợ sinh kế, thúc đẩy bình đẳng giới cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ, Lai Châu đã và đang được tham gia các lớp bồi dưỡng, các hội thảo về các mô hình kinh tế mới, qua đó nâng cao hiểu biết, có thêm kỹ năng trong phát triển kinh tế, góp phần chung vào mục tiêu xoá đói, giảm nghèo của địa phương.

Để triển khai dự án đem lại hiệu quả, Tổ chức Plan đã phối hợp với cơ quan chuyên, các tổ chức đoàn thể huyện và những xã có dự án mở nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạch toán kinh tế hộ, nghiên cứu thị trường cho 400 học viên tham gia phát triển sinh kế.

Cùng với đó, đào tạo 5 lớp cho 125 học viên về kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản. Tổ chức 20 lớp tập huấn về bình đẳng giới. Tổ chức 15 sự kiện thôn bản về bình đẳng giới. Sinh hoạt 5 Câu lạc bộ về nội dung bình đẳng giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn