Bản U Ní Chải, xã Dào San, là nơi cư trú của 135 hộ, với 815 nhân khẩu là người dân tộc Hà Nhì đen. Đây là bản duy nhất ở địa phương có người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống. Mặc dù dân số không đông, lại cư trú đan xen với các dân tộc khác có số dân đông đúc hơn, nhưng không vì thế mà người Hà Nhì đen ở bản U Ní Chải bị mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Hà Nhì đen nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc, trong đó có trang phục truyền thống được gìn giữ và phát huy khá tốt.
Trên con đường đi vào bản U Ní Chải, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với những người phụ nữ Hà Nhì đen vẫn mặc trang phục truyền thống rất sặc sỡ. Ở dưới những mái nhà trình tường, nhiều người phụ nữ vẫn đang miệt mài với công việc may thêu các bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Phụ nữ người Hà Nhì đen ở Dào San với công việc may thêu trang phục truyền thống
Chị Sào A Mơ, ở bản U Ní Chải, cho biết: “Phụ nữ người Hà Nhì đen ở đây vẫn thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, nên ai cũng phải biết thêu dệt, may quần áo truyền thống cho mọi người trong gia đình mình. Hễ lúc nào rảnh rỗi, họ lại làm công việc này. Các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, may trang phục truyền thống, làm mũ, yếm. Đến khi lấy chồng mình vẫn luôn duy trì việc thêu, may trang phục. Tuy vất vả, mất nhiều công, nhưng mình rất yêu bộ trang phục của dân tộc. Mỗi năm mình cố gắng làm 2 bộ cho gia đình, người thân.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì đen gồm mũ, áo, quần, yếm với nhiều màu sắc tươi sáng như: Xanh, đỏ, hồng, tím đan xen với nhau. Hoạ tiết hoa văn chủ yếu được thêu ở phần ngực, viền áo, 2 cánh tay, yếm và ống quần. Đặc biệt, các họa tiết này đa dạng về hình vẽ như tam giác, vòng xoáy ốc và đường kẻ ngang, dọc. Yếm áo có dây bạc nổi bật phía trước và đai thắt bằng len phía sau.
Còn chiếc mũ của phụ nữ bản vùng cao này rất đặc sắc với hàng tóc giả màu nâu, đen tết phía trước. Phía dưới là hàng lắc nhỏ mạ bạc xinh xinh, phía trên trang trí bằng những sợi len sắc màu. Bên phải của mũ có bông hoa to cũng làm từ sợi len một màu. Theo quan niệm người Hà Nhì đen, chiếc mũ được coi là biểu trưng cho sự đoàn kết, thống nhất của các hộ dân trong bản.
Trang phục nữ cầu kỳ bao nhiêu thì trang phục nam lại đơn giản bấy nhiêu. Trên nền áo đen chỉ có hàng cúc ở giữa áo và 2 cánh tay làm điểm nhấn. Họ không mặc thường xuyên như phụ nữ. Hầu hết, đàn ông ở bản chỉ mặc trang phục vào ngày tết, lễ hội.
Ngày nay, trang phục của phụ nữ người Hà Nhì đen ở xã Dào San không chỉ được sử dụng trong gia đình, mà còn là mặt hàng độc đáo khách du lịch rất ưa chuộng. Nhờ đó, việc may thêu quần áo truyền thống còn để tạo ra nguồn thu nhập.
Bà Đinh Thị Thơm, Chủ cửa hàng lưu niệm ở thành phố Lai Châu, cho biết: “Hiện nay khách du lịch ở các tỉnh thành khác, và cả khách du lịch nước ngoài, khi đến Lai Châu họ thường mua trang phục truyền thống của các dân tộc làm kỷ niệm. Trong đó có trang phục của phụ nữ người Hà Nhì đen ở xã Dào San. Cửa hàng chúng tôi thường đặt hàng với bà con, khi hết hàng thì họ lại gửi xuống cho chúng tôi. Đây cũng là công việc giúp chị em có thêm việc làm và nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng hơn hết là có thể gìn giữ và lan truyền những bộ trang phục truyền thống của dân tộc rộng rãi các nơi là điều vui rồi”.
Ông Chang Dì Quỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Dào San, cho biết: Nhằm bảo tồn văn hóa Hà Nhì đen nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội. Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân tích cực sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, để gìn giữ và phát huy bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để bản tổ chức các lễ hội hàng năm nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn