TS. Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) - chia sẻ về việc nhận biết và phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ em ngay từ gia đình.
Xin bác sĩ cho biết, hiện nay trẻ em, thanh thiếu niên thường có các vấn đề gì về sức khỏe tâm thần? Nguyên nhân vì đâu dẫn đến các vấn đề này?
Thanh thiếu niên thường bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần là do sang chấn tâm lý trong việc học, mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ với bạn bè. Bị sự tác động từ các yếu tố bên ngoài như mạng xã hội, các trò chơi, các hình thức giải trí trực tuyến. Một số liên quan đến các vấn đề khác trong gia đình như cha mẹ lục đục, ly hôn, cãi vã,...
Riêng đối với áp lực học tập có thể đến từ sức ép, kỳ vọng của gia đình, hoặc đến từ chính bản thân trẻ. Bên cạnh đó là các thông tin độc hại mà trẻ tiếp nhận hàng ngày khi tham gia vào các hội, nhóm, mạng xã hội… mà cha mẹ không kiểm soát được hết.
Từ khoảng 5 năm gần đây, các gia đình đã quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con nhiều hơn. Mỗi gia đình có sự quan tâm khác nhau. Có thể thấy, có một số trẻ có vấn đề về tâm thần liên quan đến việc được cha mẹ quá quan tâm, cưng chiều, dẫn đến có suy nghĩ lệch lạc, hoặc có cảm giác bản thân không còn mục tiêu trong cuộc sống.
Vậy, cha mẹ làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu con trẻ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần?
Dấu hiệu nhận biết rõ nét nhất là sự thay đổi tính cách, ít nói hơn, dễ cáu gắt hơn, dùng mã khóa điện thoại, đi học về đóng cửa phòng,… Khi bố mẹ hỏi vấn đề học tập thì thường lảng đi hoặc cáu gắt.
Trẻ bị rối loạn tâm thần thường hay cáu, có hành vi bất ổn với người thân, anh chị em trong nhà và cả bạn bè. Cảm thấy bản thân khó hòa nhập với gia đình và dần rút lui khỏi các hoạt động chung. Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ xúc động, bộc phát cảm xúc. Một số trẻ có ý định làm tổn hại đến chính mình.
Khi con có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để kịp can thiệp. Các trường hợp phát hiện sớm chỉ cần tư vấn là có thể khỏi, còn các trường hợp muộn phải dùng thuốc và các biện pháp hóa dược, vật lý trị liệu. Có trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa, con ở nhà với ông bà đã cao tuổi không để ý đến một số biểu hiện bất thường ở cháu. Lúc cha mẹ về thì con đã bị trầm cảm nặng và phải dùng nhiều biện pháp can thiệp một lúc.
Bác sĩ cho biết cách nào để phòng tránh các vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ và trẻ vị thành niên ngay từ trong gia đình?
Nhiều gia đình có quan điểm rằng, cha mẹ đã làm việc quần quật để lo cho con cái rồi, thì trách nhiệm của con là phải học, phải phấn đấu. Con người ta học được tại sao con mình không? Điều này là nguyên nhân lớn dẫn đến con cái bị trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Để phòng, tránh cho trẻ các vấn đề tiêu cực liên quan đến sức khỏe tâm thần, tốt nhất cha mẹ hãy coi mình là những người bạn đồng hành cùng con. Trong nhiều vấn đề khác, cha mẹ không nên đặt mình ở góc độ của người lớn để xử lý mà phải đặt bản thân vào hoàn cảnh của con để hiểu con hơn. Mỗi trẻ sẽ gặp các vấn đề khác nhau trong cuộc sống nên cách đồng hành, giáo dục cũng khác nhau, nhưng đều có mẫu số chung là phải hướng trẻ đến các thú vui lành mạnh. Cha mẹ phải có kỉ luật riêng nhưng vẫn gần gũi, không buông lỏng con. Đặc biệt là trong vấn đề học tập, không nên tạo áp lực mà để con có thời gian vui chơi, vận động thể chất.
Khi con đã có dấu hiệu bị bệnh, cha mẹ không nên chần chừ chờ đợi một ngày con sẽ bình thường trở lại, mà hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Trường hợp bệnh nặng sẽ phải điều trị kết hợp tư vấn. Việc đưa con đến gặp bác sĩ cũng không nên quá đột ngột mà phải đả thông tư tưởng của con trước, nếu không trẻ sẽ nghĩ bản thân đang bị xâm phạm về đời tư.
Nếu xác định sức khỏe tâm thần của con có vấn đề, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, ưu tiên thời gian cho việc kết nối con với gia đình, như ăn tối, trò chuyện. Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, sợi dây kết nối với gia đình sẽ mong manh hơn, sự gần gũi thường có rào cản. Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng "lôi" con ra khỏi không gian riêng khép kín của mình, hòa nhập không gian chung cùng các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, hạn chế cho con tiếp xúc quá lâu với điện thoại, mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến.
Nhìn chung, vấn đề về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ở giai đoạn đầu tương đối khó nhận biết và phân biệt giữa các bệnh lý cụ thể, chính người bệnh cũng không thể nhận ra mình đang gặp vấn đề. Do đó, gia đình không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu lạ nào để nhanh chóng can thiệp, hỗ trợ con trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!
VỤ GIA ĐÌNH, BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH PHỐI HỢP THỰC HIỆN
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn