Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh và những điều cần biết

14:54 | 09/02/2021;
Ngộ độc thực phẩm vào mùa lạnh thường xuyên xảy ra, nhất là vào thời điểm giáp tết. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh là điều cần thiết để đảm bảo cơ thể khoẻ mạnh.

Ngộ độc thực phẩm mùa lạnh thường xảy ra sau khi ăn các loại thức ăn bị nhiễm độc. Triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt...

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ ngộ độc sẽ có triệu chứng đặc trưng riêng. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh ngộ độ mùa lạnh hiệu quả.

1. Các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh bên cạnh việc đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế chúng ta cần lựa chọn đồ ăn phù hợp. Tham khảo một số phương pháp dưới đây để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

1.1. Thực hiện nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh chúng ta cần thực hiện đúng các nguyên tắc vệ sinh an toàn theo khuyến cáo của chuyên gia.

Tiến hành ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn, tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời có dấu chứng nhận của Cục An toàn Thực phẩm.

Đối với các loại thịt, cá, trứng gia cầm bạn cần chế biến kỹ. Không nên ăn các món tái, gỏi bởi vi khuẩn vẫn còn tồn tại gây ngộ độc. Bên cạnh đó, trước khi chế biến thức ăn bạn nên sát muối và rửa sạch thịt. Trần qua với nước sôi để khử trùng.

Đối với các loại rau củ tươi, bạn cần ngâm nước muối loãng để loại bỏ chất độc hóa học còn tồn đọng. Trong quá trình chế biến cần đảm bảo, rau đã chín hoàn toàn. Với các loại rau sống cần rửa sạch nhiều lần và ngâm nước muối trước khi ăn.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh và những điều cần biết - Ảnh 1.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh - Ảnh: Internet

1.2. Rửa sạch dụng cụ trước và sau khi chế biến

Để phòng tránh thực phẩm mùa lạnh, chúng ta cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến thức ăn bằng dung dịch chuyên dụng. Bởi, các dụng cụ như dao, thớt chính là môi trường trung gian, lây truyền vi khuẩn gây ngộ độc.

Dao, thớt chế biến cá, thịt sống chứa rất nhiều vi khuẩn gây ngộ độc. Nếu không được rửa sạch sẽ nó có thể đưa các vi sinh vật từ thực phẩm sống sang thức ăn chín. Ngoài ra, bạn cần rửa sạch xong, nồi, niêu, chảo...trước khi nấu ăn để tránh vi khuẩn đọng lại bên trong dụng cụ lây nhiễm sang thực phẩm sạch.

1.3. Bảo quản thực phẩm đúng cách ở nhiệt độ phù hợp

Nhiều người cho rằng mùa đông lạnh, khiến vi khuẩn khó phát triển ở thực phẩm. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm bởi vi khuẩn hoàn toàn có thể phát triển ở nhiệt độ từ 4 - 60 độ C.

Chính vì thế, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh bạn không nên để thức ăn ở bên ngoài. Thay vào đó, hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh.

Với những loại thịt tươi sống như thịt, cá sau khi sơ chế, làm sạch bạn nên chia thành nhiều phần và cất vào ngăn đông. Khi chế biến chỉ cần rã đông là được. Với các loại thực phẩm chín nếu không ăn hết, hãy để nguội và bảo quản trong tủ lạnh.

Trước khi ăn, bạn cần hâm nóng lại và ăn ngay không để quá 2 tiếng đồng hồ. Với các loại trái cây, rau, củ tươi bạn nên bọc kín thành các túi riêng bỏ vào ngăn mát để bảo quản.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh và những điều cần biết - Ảnh 2.

Bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh - Ảnh: Internet

2. Các loại thực phẩm không nên ăn vào mùa đông để tránh ngộ độc

Bên cạnh việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh, bạn cũng nên chú ý các khuyến cáo của chuyên gia để chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn. Dưới đây là một số loại thực phẩm chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn vào mùa đông để tránh ngộ độc.

2.1. Rau củ bị dập nát

Mùa đông là mùa của nhiều loại trái cây, rau củ. Trong đó có các loại rau bổ dưỡng như cải bắp, cải thảo. Mặc dù rất ngon miệng, nhưng cải thảo chứa nhiều nitrat. Thành phần này sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu cải thảo bị dập, nát và biến thành độc tố nguy hiểm.

Khi bạn ăn phần rau, nó có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng đặc trưng của ngộ độc nitrat là chóng mặt, đau đầu, nôn mửa, khó thở nặng dẫn đến huyết áp bất ổn.

Do đó để tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa lạnh bạn nên chọn rau, củ tươi non. Với các loại rau chưa dùng đến, hãy bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh.

2.2. Sữa đậu nành chưa nấu chín

Ai cũng biết rằng sữa đậu nành là thực phẩm bổ dưỡng, rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, chỉ có sữa đậu nành chín mới cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết. Ngược lại, sữa đậu nành sống chứa nhiều chất ức chế độc hại trypsin dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Vì thế, để phòng tránh ngộ độc, nếu muốn uống sữa đậu nành bạn hãy nấu chín kỹ. Các chuyên gia khuyến cáo, sữa phải được nấu sôi trong vòng 5 - 10 phút mới đảm bảo an toàn. Do đó, bạn hãy lưu ý điều này để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh và những điều cần biết - Ảnh 3.

Sữa đậu nành sống gây ngộ độc thực phẩm - Ảnh: Internet

2.3. Khoai tây mọc mầm hoặc có màu xanh

Khoai tây là món ăn quen thuộc được nhiều người ưa chuộng. Nhưng khoai tây mọc mầm và có vỏ màu xanh lại chứa chất độc vô cùng nguy hiểm. Đồng thời, khoai tây chưa nấu chín kỹ cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Chất độc solanine trong khoai tây sống gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Một số triệu chứng ngộ độc đặc trưng như buồn nôn, tiêu chảy, đau rút dạ dày, đau đầu, chóng mặt, mất cảm giác, tê liệt...

Ngoài ra nó còn gây khô rát cổ họng, xuất hiện ảo giác, sốt, bệnh vàng da, giảm thân nhiệt... Khi bị nhiễm độc ở nồng độ cao có thể dẫn đến tử vong.

Để tránh ngộ độc thực phẩm, bạn nên chọn khoai tây tươi, được bảo quản ở nhiệt độ thấp, tránh ánh nắng mặt trời và chế biến ở nhiệt độ từ 170 độ C trở lên đến khi chín kỹ.

Trên đây là một số biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa lạnh bạn cần lưu ý. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu bị ngộ độc để được điều trị kịp thời.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn