Phớt lờ chuột rút khi chống dịch Covid-19, nữ y tá phải cắt chân

19:20 | 14/08/2020;
Một nữ y tá người Anh đã phớt lờ chứng chuột rút ở chân khi làm việc ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hậu quả là cô phải cắt bỏ chân sau khi phát hiện ra cơn đau này xuất phát từ một khối u ung thư.

Y tá Sette Buenaventura, 26 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Hoàng gia Salford, Anh, đã phớt lờ chứng chuột rút ở chân phải trong vòng 8 tuần. Cô chia sẻ: "Tôi không có thời gian để lo lắng về những cơn đau nhức. Khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã làm việc hết công suất, không có thời gian để lo lắng về những cơn đau nhức. Chúng tôi ở bệnh viện hàng giờ để giúp đỡ bất cứ ai cần, tận tâm vì công việc. Làm việc trong lĩnh vực y tế cũng đồng nghĩa với việc bạn quên đi nỗi đau của bản thân vì bận giúp đỡ người khác, song mọi thứ đều có cái giá của nó".

Sette đã thoát khỏi ung thư sau khi cắt bỏ chân nhưng cô cũng gặp không ít khó khăn để vượt qua thử thách này. Nữ y tá trẻ cho biết chứng chuột rút kéo dài trong 8 tuần, song cô cho rằng nguyên nhân là do cô phải đứng quá nhiều giờ khi làm việc tại bệnh viện ở thời điểm bùng phát dịch Covid-19.

Sau khi gặp khó khăn trong việc đi lại, cô đến Bệnh viện Manchester chụp cộng hưởng từ vào tháng 4 và phát hiện mình bị Sarcoma, loại ung thư bắt đầu trong các mô như xương hoặc cơ. Vài tuần sau, khối u ác tính ở bắp chân cô đã sưng to bằng quả bóng golf. Lúc đầu, các bác sĩ nghĩ rằng khối u ác tính có thể được loại bỏ bằng việc phẫu thuật. Nhưng sau đó, họ cho biết cách duy nhất để cô sống sót là cắt bỏ chân. Điều này đối với Sette là vô cùng tồi tệ.

Bỏ qua chuột rút khi chống dịch Covid-19, nữ y tá phải cắt chân - Ảnh 1.

Sette Buenaventura đang tập làm quen với nạng sau khi bị cắt chân (Ảnh: BBC)

Cô chia sẻ: "Khi bác sĩ thông báo rằng tôi phải cắt bỏ một chân, tôi đã rất buồn nhưng tôi biết rằng mình không còn lựa chọn nào khác, tôi cần phải sống".

Ngoài ra, khi nói về mình, cô cũng cho biết: "Tôi là người thích chăm sóc bản thân và luôn giữ gìn sức khỏe. Một người làm việc trong lĩnh vực y tế như tôi không bao giờ mong muốn việc này xảy ra với mình".

Sau khi cắt bỏ chân, Sette bộc bạch: "Hiện tại, tôi không thể và không muốn nhìn vào gương vì chưa thể chấp nhận con người mới của tôi được". Sette bị cắt chân vào tháng 5, chỉ 4 tuần sau khi được chẩn đoán và hiện đang dần dần thích nghi cuộc sống mới của mình.

Sette cho biết: "Tuy năm nay phải làm việc nhiều hơn nhưng tôi không nghĩ đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những gì đã xảy ra. Chỉ mới có mấy tháng mà chân tôi càng ngày càng đau. Mặc dù tôi không thể cùng đồng nghiệp tiếp tục chống đại dịch nhưng tôi dám chắc rằng mọi người sẽ luôn tiếp tục cố gắng".

Sette cho hay cô hiện đang lo lắng về việc bị đối xử khác biệt và không thích mọi người nghĩ rằng cô luôn cần sự giúp đỡ. Cô nói: "Tôi đã cố gắng đi ra ngoài hết lần này đến lần khác với người yêu và bạn bè. Có rất nhiều ánh nhìn hướng về tôi, điều đó quá choáng ngợp; cuối cùng tôi phải về nhà vì bị chú ý quá nhiều".

"Ngay cả lúc nói chuyện với mọi người, tôi có thể nhận thấy rằng họ luôn cố gắng tỏ ra thông cảm. Tôi hiểu lý do tại sao nhưng tôi không muốn họ làm như vậy".

Bỏ qua chuột rút khi chống dịch Covid-19, nữ y tá phải cắt chân - Ảnh 2.

Sette Buenaventura làm quen với thiết bị hỗ trợ sau khi bị cắt chân. Ảnh: Caters News

Nếu quá trình phục hồi chức năng diễn ra suôn sẻ, Sette sẽ trở lại làm việc vào tháng 11. Tuy nhiên, cô muốn cảnh báo mọi người rằng một điều nhỏ như cơn đau ở chân cũng có thể là nguyên nhân nghiêm trọng đáng lo ngại. 

Cô chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai bị đau chân kèm triệu chứng kéo dài đều phải đến bệnh viện kiểm tra, điều này thực sự rất quan trọng. Nếu tôi nắm bắt được điều đó sớm hơn, có lẽ bây giờ tôi đã không ở trong tình trạng này. Mặc dù tôi sẽ không để điều này cản trở mục tiêu cuộc sống của bản thân nhưng khi nó đã đã xảy ra với tôi, ít nhất tôi muốn cố gắng ngăn chặn điều tương tự xảy đến với những người khác. Đó không phải là một điều gì quá đáng sợ, song với tôi điều đó quá mới. Tôi rất vui vì có gia đình và bạn bè luôn bên cạnh, giúp tôi vượt qua điều này; hy vọng mình cũng có thể giúp những người khác vượt qua điều tương tự". 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn