Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh

08:43 | 23/07/2020;
Phù do nắng nóng là tình trạng cơ thể bị sưng phù ở vùng mắt cá chân hay bàn chân khi nhiệt độ tăng lên. Ngoài bàn chân thì bạn cũng có thể bị phù ở các ngón tay. Bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn vào những ngày đầu sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao của ánh nắng mặt trời.

Ngoài sốc nhiệt, kiệt sức, chuột rút thì bạn cũng có thể bị phù do nắng nóng, nhiệt độ cao lên và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

1. Cơ chế gây phù do nắng nóng

Khi quan sát, người bị phù do nắng nóng thường bị sưng ở các vùng sau:

- Mắt cá chân

- Bàn chân

- Các ngón tay.

Sau khi tiếp xúc với ánh nắng thì những ngày đầu bệnh có thể diễn biến nặng hơn, mức sưng phù gia tăng. Nguyên nhân gây ra hiện tượng phù do nắng nóng là do khả năng loại bỏ các chất lỏng khỏi những mô của cơ thể bạn bị kém hiệu quả. Bên cạnh đó là do sự giãn mạch ở dưới da.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Quá trình đào thải chất lỏng khỏi cơ thể kém hiệu quả dẫn tới phù do nắng nóng (Ảnh: Internet)

Ngoài việc phù chi thì người bị phù do nắng nóng có thể có cảm giác bị cứng ở các khớp hoặc một sự tăng cân dạng nhẹ.

Một điều may mắn đó là phù do nắng nóng có thể phòng tránh được và có thể chữa trị.

2. Điều trị phù do nắng nóng

Tuỳ theo mức độ phù mà các hướng điều trị cũng sẽ khác nhau. Điều đầu tiên mà bạn cần nhớ sau khi bị phù do đi nắng về đó là cố gắng nghỉ ngơi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, không hoạt động quá sức gây áp lực cho các chi bị phù.

Một số phương pháp giúp giảm sưng, phù:

- Khi nằm bạn hãy nâng phần chân hay tay bị phù đặt ở vị trí cao hơn cơ thể. Tư thế này giúp giảm sưng khá hiệu quả. Nếu như trước khi ngủ mà bạn thấy tình trạng sưng không được cải thiện, bạn có thể thử giữ tư thế nâng cao phần phù này trong khi ngủ.

- Massage nhẹ nhàng vùng bị phù do nắng nóng. Tuy nhiên, hãy nhớ không dùng lực tay quá mạnh để ép vùng phù xẹp xuống. Việc xoa bóp nhẹ nhàng giúp giảm việc tích tụ chất lỏng trong cơ.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 3.

Xoa bóp chân nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực lớn (Ảnh: Internet)

- Cố gắng giãn cơ trong những ngày tiếp theo. Sau khi phát hiện bị phù do nắng nóng, tốt nhất hãy giãn cơ để ngăn chặn việc chất lỏng bị tích tụ thêm. Nếu như bạn hay đứng hay ngồi quá nhiều, nên dành một khoảng thời gian từ 2 - 5 phút/1 tiếng để giãn cơ đơn giản. Một vài động tác giãn cơ bạn có thể tham khảo như giãn cơ bốn đầu, duỗi chân,...

Nếu như bàn tay và ngón tay của bạn bị sưng thì có thể tập trung vận động ở những bài tập liên quan tới vai hay lưng.

Trong trường hợp phù nặng hơn thì có thể cần phải sử dụng tất để đè ép vùng bị sưng phù. Lưu ý là không nên sử dụng thuốc lợi tiểu do bạn có thể rơi vào trạng thái mất nước và mất muối.

3. Hướng dẫn phòng tránh

Điều chỉnh thói quen vận động

Trong thời tiết nắng nóng, các bài tập nặng không được khuyến khích. Bạn có thể đi bộ để kích thích hệ thống tim mạch thúc đẩy quá trình lưu thông máu tới các chi, ngăn ngừa phù do nắng nóng. Khoảng 30 phút đi bộ nhẹ nhàng một ngày là đủ.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 4.

Đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường quá trình lưu thông máu (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, hãy cố gắng duy trì việc vận động đều đặn giúp cho cơ thể được khỏe mạnh hơn.

Lựa chọn một số loại quần áo giúp kích thích lưu thông máu

Cũng giống như việc tập thể thao, hãy lựa chọn các loại quần áo co giãn, ôm sát nhưng không được gây chèn ép lên cơ thể. Những loại quần áo như ống tay bó, quần tất tăng cường lưu thông máu,... có thể được sử dụng giúp cơ thể thúc đẩy cung cấp oxy tới các cơ.

Ở trong nhà khi trời nắng

Khoảng thời gian từ 10h - 15h hàng ngày vào mùa hè là khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày, nhất là sau 12h trưa. Bạn nên hạn chế ra ngoài, nhất là việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Uống đủ nước

Vào mùa hè, việc uống đủ nước rất cần thiết cho cơ thể bù lại lượng nước đã mất. Lượng nước mà mỗi người nên uống ít nhất là 900ml - 1.5lít mỗi ngày, tùy theo thể trạng và tần suất hoạt động cần phải uống nhiều hơn.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 5.

Uống nước giúp đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố của cơ thể (Ảnh: Internet)

Uống nước cũng giúp đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố của cơ thể.

Hạn chế sử dụng bia rượu, các chất kích thích

Bia rượu có chứa cồn, cafe có chứa caffein đều là những chất gây mất nước cho cơ thể. Đặc biệt là đối với những người có thói quen uống nhiều hàng ngày.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 6.

Không nên uống bia rượu hay các chất kích thích như chè, cafe trong mùa nắng (Ảnh: Internet)

Có chế độ ăn uống khoa học

Ngoài việc cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể thì các chất dinh dưỡng từ bữa ăn hàng ngày cũng rất quan trọng. Hãy bổ sung vitamin B5, B6 và canxi vừa đủ để ngăn ngừa việc bị phù do nắng nóng. Bên cạnh đó, hãy tránh xa các thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn có nhiều muối.

Phù do nắng nóng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 7.

Nên có chế độ ăn uống khoa học, giảm thiểu đồ ăn sẵn, đồ ăn đóng hộp (Ảnh: Internet)

Hạn chế ăn nhiều muối

Ăn ít muối cũng góp phần giảm nguy cơ bị phù do nắng nóng do muối là gia vị kích thích hiện tượng sưng phù.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn