Phụ huynh bắt con 'chạy sô' giật mình vì bị 'sờ gáy'

15:56 | 08/09/2016;
Tâm thư “Đơn xin cho con tôi học dốt” của tác giả Nguyễn Ngọc Thạch đang gây bão mạng khiến nhiều phụ huynh giật mình vì đã ép con phải học giỏi bằng mọi cách.
Nhiều học sinh mệt mỏi khi phải học quá nhiều, "chạy sô" hết lớp nọ đến lớp kia. Ảnh minh họa internet.

Anh Phạm Duy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Học nhiều là tốt vì giúp chúng ta mở mang kiến thức. Tuy nhiên, làm gì cũng phải có mức độ. Giống như cái máy, nếu làm quá công suất thì sẽ mau hư. Thế nên, mỗi phụ huynh nên cho con học có kế hoạch để tiếp thu kiến thức phù hợp với khả năng của con. Bởi nếu học quá sức, kết quả sẽ không như mong muốn.

Nhiều đứa trẻ, đi học về, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải “chạy sô” học môn khác. Cha mẹ bắt con học nhiều khiến con căng thẳng, rối loạn, như vậy học nhiều nhưng không “để vào đầu” được bao nhiêu. Bên cạnh đó, học cũng phải có khoa học, phương pháp. Trẻ học nhiều còn dẫn đến kiệt sức, thậm chí xỉu ở trên lớp.

Nếu cha mẹ ép con học giỏi bằng mọi cách để bằng ”con nhà người ta” thì rất sai lầm. Bởi, khi sinh ra, mỗi người là một cá thể, với khả năng, thế mạnh khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ đừng tạo cho con áp lực tâm lí, bắt con học quá nhiều.

Cuối tuần lẽ ra là thời gian trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn sau một tuần học tập thì nhiều cha mẹ lại xếp lịch học thêm kín mít cho con. 

Hãy để trẻ đến trường với thật nhiều niềm vui. Ảnh minh họa internet.

Tác giả  của tâm thư “Xin cho con tôi học dốt” Nguyễn Ngọc Thạch thì muốn các bậc phụ huynh, hãy dành nhiều thời gian cho con hơn, đừng đẩy hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, thầy cô. Hãy quan sát, hiểu rằng con là một cá thể độc lập và duy nhất về suy nghĩ; tìm hiểu, nói chuyện, chia sẻ và định hướng, hiểu rõ nhu cầu của con và có cách dạy con phù hợp, không phải đem cách giáo dục con của người này áp lên con của mình thì sẽ thành công.

Thay vì trách nền giáo dục, chờ đợi sự đổi thay từ trên, thì cách dễ nhất và tốt nhất để thay đổi chính là từ tư duy của các bậc phụ huynh.

Cũng đừng áp đặt tư duy học cuối cùng là để kiếm tiền, có việc làm... Tư duy đó, theo cá nhân tôi, biến sự học trở nên thực dụng và làm hư giá trị của tri thức. Học, là để bản thân chúng ta hiểu hơn về con người, về cuộc đời và từ sự hiểu đó, chúng ta sống bao dung hơn, hạnh phúc hơn.

Đoạn cuối của bức thư "gây bão mạng". Sau khi đăng tải, bức thư này thu hút được 33.000 lượt like, thể hiện cảm xúc và trên 9.700 lượt chia sẻ, cùng hơn 970 bình luận.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn