Một phụ huynh mới đây chụp ảnh lại một bài học trong sách giáo khoa, khoanh tròn lỗi sai, đồng thời nhận định: "Bảo sao các cháu viết sai lỗi chính tả".
Lỗi sai mà phụ huynh này chỉ ra chính là chữ "ti" trong "công ti". Theo người này, "ti" ở đây đúng ra phải là "y" chứ không phải "i". Được biết, đây là hình ảnh được chụp lại từ sách Giáo dục công dân lớp 9, bài học về Dân chủ và kỷ luật.
Chia sẻ của phụ huynh này nhận về nhiều tranh cãi. Bên cạnh vài ý kiến đồng tình, hầu hết đều cho rằng, dùng "i" trong trường hợp này không sai.
Một luồng ý kiến nhận định, hiện nay, trong chính tả tiếng Việt, người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn và y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Do đó vẫn tồn tại hai cách viết. Chẳng hạn: Hi vọng/hy vọng - Kĩ thuật/kỹ thuật - Lí luận/lý luận - Mĩ thuật/mỹ thuật - Công ti/công ty - Sĩ quan/sỹ quan. Cách viết nào cũng được chấp nhận.
Cũng có người cho rằng, theo quy định mới về chính tả, "i" mới là chữ chính xác. Nhiều người dùng "công ty" vẫn được chấp nhận là bởi theo thói quen từ trước và bởi các chữ có nguyên âm “y” trông có vẻ lịch sự, trang trọng hơn, đẹp mắt hơn.
Nói về tranh cãi dùng "i" hay "y", cô giáo Lê Trần Diệu Thu, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, cho rằng, ngôn ngữ học sẽ chấp nhận cả 2 cách viết. Tuy nhiên theo quy định mới thì phải viết "i" mới chuẩn.
Cụ thể, tại Điều 9 của Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề cập đến cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối.
Cụ thể:
1. Trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i. Ví dụ: Hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ, vật lí, thạc sĩ, tiến sĩ, nha sĩ, mĩ nhân, tạm đình chỉ hợp đồng…
Âm "i" đừng đầu tiếng và đằng sau đó là phụ âm. Ví dụ: Im lặng, in ấn. Nếu là vị trí cuối tiếng (trừ uy, ay, ây) thì viết i (ví dụ: chui lủi, hoa nhài).
2. Trường hợp âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó. Ví dụ: Tường Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc, Thúy Vi…
3. Căn cứ vào quy định thì trong văn bản, hợp đồng sử dụng y trong trường hợp không thuộc những trường hợp nêu trên:
- Nếu đứng một mình thì viết y (y tế, ý nghĩ).
- Nếu đứng sau âm đệm u thì viết y (suy nghĩ, quy định).
- Nếu nguyên âm đôi iê đứng đầu tiếng thì viết y (yên ả, yêu thương).
- Nếu trường hợp dùng được cả i và y mà không đổi nghĩa thì sẽ dùng i.
Ví dụ: Quy định, tủy sống, chung thủy, hủy hợp đồng, huy chương…
Trong thực tiễn thì nhiều trường hợp khác dù viết "i" hay "y" vẫn được chấp nhận, ví dụ: Hoa Kỳ - Hoa Kì, nước Mỹ - nước Mĩ, Quốc kỳ - Quốc kì, kỷ niệm - kỉ niệm, ly hôn - li hôn, lí do - lý do, li kì - ly kỳ… Các cách viết trên đều không sai, tùy vào cảm quan và thói quen của từng người mà người viết lựa chọn cách viết khác nhau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn