“Nghe cô giáo thông báo nhà trường sẽ tổ chức thi mâm cỗ trung thu cho các con khối 1 trong trường, các phụ huynh trong lớp hào hứng lắm. Chúng tôi lên kế hoạch sẽ cho các con tự tay làm mâm ngũ quả và cùng phá cỗ, để con có thêm trải nghiệm ý nghĩa trong năm đầu tiên tại trường tiểu học. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của cô giáo chủ nhiệm và nghe ngóng các lớp xung quanh, ý tưởng cho các con tự làm mâm cỗ trung thu nhanh chóng bị dập tắt, vì các phụ huynh phải chuẩn bị cho một cuộc đua mâm cỗ trung thu. Chị Thu Nga (Q. Ba Đình, Hà Nội) kể với PNVN trong nỗi bức xúc.
Kế hoạch tổ chức trung thu của trường là chiều ngày 14 âm lịch (12/9/2019). Phụ huynh nào cũng muốn lớp được giải, để lớp con không bị thua kém các lớp xung quanh và tạo cho các con niềm hứng khởi bắt đầu năm học mới, nên trước đó cả 10 ngày, các phụ huynh trong lớp con chị Nga đã phải lên ý tưởng, phác thảo về mâm cỗ trung thu. Sau đó, những mẹ khéo tay, có nhiều thời gian được huy động vào ban hậu cần chuẩn bị.
Cuộc đua của những mâm cỗ trung thu tiền triệu
Để làm một mâm cỗ trung thu truyền thống “ra tấm, ra món” cũng tốn một khoản không nhỏ, chị Thanh Trà, cung cấp dịch vụ mâm cỗ trung thu tại Q. Long Biên cho biết, thường dao động từ 3 triệu đến 15 triệu đồng.
Một mâm cỗ trung thu cơ bản bao gồm: con chó bưởi, quả dưa hấu hoặc dưa vàng, bí đỏ cắt tỉa hoa, các con vật được ghép từ củ quả như con ếch, con cá, con nhím…, bánh kẹo, một vài món đồ chơi như mặt nạ, đèn ông sao, đèn lồng, trống… để trang trí.
Theo mức giá chung của các dịch vụ cắt tỉa củ quả năm nay, một con chó bưởi hay thỏ ngọc làm từ múi bưởi loại nhỏ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng, loại to từ 500.000 đến 700.000 đồng. Các loại quả tỉa hoa, tỉa chữ từ quả dưa hấu, dưa vàng, bí đỏ… có giá 500.000 – 700.000 đồng/quả. Củ quả cắt tỉa rồng phượng sẽ có giá cao hơn. Các con vật được làm từ quả thanh long, quả dứa, nho… có giá từ 50.000 đến 150.000 đồng/con, tùy loại.
Những mâm cỗ cao cấp hơn sẽ được trang trí thêm con công, con phượng, con rồng, cây dừa được kết từ trái dứa, hoa quả xếp theo hình bản đồ Việt Nam, hình Khuê Văn Các…. Các loại bánh, trái cây cũng là loại cao cấp, nhập khẩu, có giá tiền cao hơn.
Nếu khéo tay, phụ huynh có thể đặt sẵn các loại quả đã được cắt tỉa để trang trí mâm cỗ. Nhẩm tính sơ sơ, chị Thu Nga cho biết, riêng tiền nguyên liệu đã lên tới vài triệu. Có những lớp, phụ huynh đặt dịch vụ trọn gói, từ nguyên liệu, đến nhân viên bày và trang trí mâm cỗ, giá cho một mâm cỗ trung thu có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Điểm đến là... thùng rác
Dù mâm cỗ trung thu được phụ huynh học sinh đầu tư nhiều thời gian, công sức công phu, hoành tráng, nhưng thực sự, giá trị các con nhận được không như cha mẹ mong muốn, chị Thanh Minh, một phụ huynh khác chia sẻ.
Với những mâm cỗ trung thu đi thi của lớp, học sinh sẽ không được trực tiếp làm, vì người lớn sợ các con động vào sẽ bị hỏng. Vì vậy, con chỉ đứng từ xa nhìn, thậm chí, các con còn được yêu cầu ngồi trật tự trong lớp, không ra ngoài, để ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị, trang trí mâm cỗ. Có chăng, ấn tượng của các con chỉ là lúc chấm giải xong, cả lớp sẽ đứng chụp ảnh bên mâm cỗ trung thu của lớp mình. Những trải nghiệm lẽ ra rất đáng nhớ với mâm cỗ trung thu của con hầu như không có.
Đó là chưa kể, chi ra vài triệu, thậm chí cả chục triệu, nhưng đến khi phá cỗ, số hoa quả, trái cây các con có thể ăn được rất ít. Ví dụ, chú chó bưởi xinh xắn, sau khi trải qua công đoạn tách múi, gắn kết lên thân chuối để tạo hình, rồi qua nửa ngày bày trang trí, đã trở nên dập nát và bị nhớt. Những loại trái cây cắt tỉa cũng tương tự vậy. Còn nhiều loại trái cây khác, để tạo hình, gắn kết chúng với nhau, cần phải dùng đến rất nhiều que tre, tăm…, làm trái cây không còn sử dụng được.
Điểm đến của những loại trái cây trong mâm cỗ trung thu, cuối cùng là thùng rác, khá lãng phí, chị Thanh Minh ngậm ngùi.
Vẫn biết, mâm cỗ là linh hồn của Tết trung thu, nhưng nếu chỉ là mâm cỗ đi thi, mang tính hình thức, thì những kỷ niệm còn lại trong tâm trí trẻ con không nhiều. “Nếu sang năm, nhà trường có tổ chức trung thu, chắc chắn ban phụ huynh sẽ đề nghị cho các con tự góp cỗ, tự bày cỗ và phá cỗ, cùng nhau thưởng thức. Tôi nghĩ như thế sẽ vui và ý nghĩa hơn rất nhiều”, chị Thu Nga cho biết.