Phụ huynh Hà Nội lo lắng chất lượng 'sữa học đường'

15:42 | 13/09/2018;
Từ năm học 2018 - 2019, Hà Nội triển khai chương trình “Sữa học đường” cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học toàn thành phố. Đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, song một số phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn trước hiệu quả thực chất của chương trình này.

Hoang mang đăng ký tự nguyện “sữa học đường”

Một trường mầm non tư thục ở Q.Hà Đông mới đây vừa phát cho phụ huynh văn bản về thông tin chương trình “Sữa học đường” theo chủ trường của thành phố Hà Nội, kèm theo đó là phần đăng ký tự nguyện của phụ huynh. Trong trường hợp phụ huynh không đồng ý cho con tham gia chương trình, cần nêu rõ lý do tại tờ thông báo này.

Ngay lập tức, trên một số diễn đàn, phụ huynh tỏ ra hoang mang về hiệu quả thực sự của chương trình “Sữa học đường”. Nữ phụ huynh D.V.H than phiền: “Hôm qua em thấy con mang tờ giấy về bảo mẹ ký tên. Đầu lẩm nhẩm nghĩ nếu mình không đồng ý, bạn uống thì con mình ngồi nhìn à? Nghĩ cảnh thấy tội con nên đành ký”.

sua1.jpg
Thông tin đăng ký chương trình "Sữa học đường" của một trường mầm non tại quận Hà Đông, Hà Nội
 

Gay gắt hơn, phụ huynh V.T.H.D cho rằng "đây thậm chí là cơ hội để doanh nghiệp giải quyết sữa tồn đọng hoặc đưa học sinh ra thí nghiệm. Sữa giờ toàn chất tăng trưởng, một thế hệ học sinh sau 20 - 30 năm nữa bị ảnh hưởng, mình đi kiện… củ khoai à?”.

Mẹ V.N thẳng thắn chia sẻ: “Hết cải cách giáo dục giờ lại đến chủ trương sữa học đường cho học sinh Tiểu học các mẹ ạ. Nhà trường bắt buộc phụ huynh phải đăng ký sữa uống cho con. Không uống cũng phải đóng tiền. Cuối buổi dù uống hay không, nhà trường đều thu lại vỏ. Học sinh không được mang vỏ về. Hoang mang quá! Tại sao lại phải làm như vậy các mẹ nhỉ?

Nhà mình bảo không đăng ký vì ở nhà con dùng sữa riêng sợ uống rối loạn tiêu hóa thì đc cô chủ nhiệm trả lời là việc đấy tính sau. Giờ phải ký để giúp các cô hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên. Trường các con mom học có vậy không? Nghe vụ học sinh ở miền Trung đồng loạt nhập viện do ngộ độc sữa thí điểm học đường mà hoang mang quá!”.

Những băn khoăn chính đáng

Không phải ngẫu nhiên mà một số phụ huynh Hà Nội tỏ ra hoang mang, nghi ngờ về hiệu quả của chương trình “Sữa học đường”, mặc dù chương trình không phải là mới. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về những rủi ro đến với con mình khi triển khai chương trình này. Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện các vụ sữa học đường gây ngộ độc ở Đồng Nai khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

sua2.jpg
Ảnh minh họa
 

Cụ thể, vào tháng 3/2018, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các phòng giáo dục tạm dừng đề án sữa học đường sau vụ 73 học sinh ở Trường Mầm non Phú Lộc và Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng bị ngộ độc nghi do sữa.

Đề án sữa học đường này đã được tỉnh Đồng Nai triển khai từ cuối năm 2014, toàn bộ học sinh mầm non, khối lớp 1 ở đây ở các huyện, thị xã đã được hưởng thụ chính sách này: Uống sữa miễn phí. Tuy nhiên, sau vụ ngộ độc của 73 trẻ, Sở GD&ĐT tỉnh này đã phải dừng chương trình “Sữa học đường”.

Chị Nguyễn Thúy, quản lý một trường mầm non tư thuộc ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ, chị đã nhận được công văn về việc triển khai chương trình, song trường chị từ chối tham gia, bởi hiện tại học sinh tại trường chị đang uống sữa hạt do bếp của trường chế biến, không có nhu cầu sử dụng sữa tươi.

Bản thân nữ phụ huynh này cũng thẳng thắn cho rằng, đang có dấu hiệu việc "làm lợi" cho một số nhóm, đằng sau chương trình này. Chị có con gái đang học tiểu học tại quận Đống Đa và cũng không đồng ý cho con tham gia chương trình “Sữa học đường”.

“Tôi nghĩ phụ huynh lo lắng băn khoăn là rất chính đáng, vì chúng tôi không được làm rõ là con chúng tôi được uống sữa của hãng nào, chất lượng ra sao, thời hạn sử dụng đến đâu. Phụ huynh không hề có thông tin về những điều này trước khi đặt bút ký vào việc đồng ý cho con tham gia chương trình”, chị Thúy cho hay.

Theo nhiều phụ huynh, việc cho con uống mỗi ngày thêm một hộp sữa, với giá thành được hỗ trợ, là điều hoàn toàn tốt. Bản thân họ cũng mong muốn con mình được sử dụng nguồn sữa sạch, có thương hiệu, chất lượng được đảm bảo.

Chị Phương Nguyên, một phụ huynh có con học mầm non ở Q.Thanh Xuân, đề nghị: “Chúng tôi mong muốn nhà trường, Sở cung cấp thông tin cho chúng tôi biết về chương trình trước khi đặt bút ký, là sữa của hãng nào, được uống vào thời điểm nào, hạn sử dụng ra sao? Nếu thật sự có thông tin trường cho con uống sữa xong bắt nộp lại vỏ, thì nói thật phụ huynh băn khoăn, nghi ngờ cũng là đúng thôi!”.

Ngày 5/7/2018, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06 Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học, mỗi lần uống 1 hộp 180ml. Sẽ có khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 HS tiểu học được hưởng thụ.

Theo Nghị quyết của HĐND, ngân sách hỗ trợ cho Chương trình Sữa học đường 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh HS đóng góp 50%. Riêng trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được ngân sách hỗ trợ 50%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn