Hằng ngày từ 7h30 phút, hơn 410 học sinh khối lớp 9 của trường THCS Nam Trung Yên (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) lại bật máy tính để tham gia buổi học trực tuyến theo thời khóa biểu. Dù đã quen với các thao tác, cách dạy của cô, đa phần các em đều có ý thức học tập tốt... nhưng so với học trực tiếp thì hiệu quả của học trực tuyến vẫn không thể so sánh được.
Theo cô Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), học sinh khối lớp 9 năm học này nhìn chung có nhiều thiệt thòi. Từ cuối năm học trước, các em đã phải dừng đến trường. Quá trình học trực tuyến tính đến nay đã kéo dài gần hết học kỳ 1 của năm học 2021-2022. Thông thường, khi đi học trực tiếp, với khối "trọng điểm" như lớp 9, các em sẽ được thầy cô giáo tập trung vừa dạy học, vừa ôn tập để giúp đạt được kết quả thi vào lớp 10 cao nhất. Các em cũng có môi trường học cùng bạn bè nên hiệu quả học cũng tốt hơn. Chưa kể, không phải học sinh nào cũng có đầy đủ thiết bị tốt để học trực tuyến. Nhiều em phải học bằng thiết bị cũ, điện thoại di động nhỏ nên bài giảng của cô giáo cũng bị "rơi rớt".
Thời gian học online kéo dài cũng khiến một số học sinh của trường có dấu hiệu bị căng thẳng, mệt mỏi. Trong hoàn cảnh học tập như vậy, qua khảo sát, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều mong muốn sẽ được bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học tới.
Do dịch bệnh, hiện nay, toàn bộ học sinh khối 9 ở các quận nội thành đều chưa thể đến trường. Riêng với khoảng 4.000 học sinh lớp 9 tại huyện Ba Vì được trở lại trường từ ngày 8/11. Tiếp đó, học sinh khối 9 ở 17 huyện, thị ngoại thành khác cũng được học trực tiếp. Tuy nhiên, các em chỉ được học 1 buổi/ngày để phòng, chống dịch. Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng.
Chị Lê Thu Hương, một phụ huynh cho biết, khi học trực tuyến hay học trực tiếp chỉ với 1 buổi/ngày, học sinh sẽ phải tự học nhiều hơn. Với các em học sinh giỏi, việc tự học có thể không phải là trở ngại nhưng với học sinh có học lực trung bình hay chưa có ý thức tự giác rất khó để tự học. Từ góc độ phụ huynh, chị Hương mong Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Đó là cách ngành giáo dục giúp học sinh giảm tải áp lực học trước hàng loạt nỗi lo, xáo trộn tâm lý sẵn có do dịch bệnh tác động.
Theo cô Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên, hiện nay, trường đang tập trung dạy và ôn tập kỹ 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh. Với các môn khác, giáo viên vẫn dạy đến đâu cuốn chiếu kiến thức tới đó. Trường sẵn sàng các "ngân hàng" câu hỏi cho các môn học này để trong trường hợp vẫn thi môn thứ 4 thì có thể tiến hành cho học sinh ôn luyện được ngay. Tuy nhiên, cô Hiền mong muốn sẽ bỏ môn thi thứ 4 và phương án thi cuối cùng sẽ được chốt sớm, không nhất thiết phải đợi tới tháng 3 mới công bố vì bối cảnh học năm nay khá đặc biệt.
Một hiệu trưởng khác cũng chia sẻ, việc kết luận sớm là hợp lý vì học sinh đa phần ở nhà nhiều hơn nên ngay cả khi học sinh có được trở lại trường từ đầu tháng 1/2022 thì thời gian để giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho các em cũng sẽ rất vất vả. "Việc đánh giá năng lực của học sinh là dựa vào cả một quá trình chứ không phải chỉ trên 1 bài thi, 1 môn thi. Vì vậy, ngay cả việc bỏ môn thi thứ 4 thì cũng không lo không đánh giá toàn diện học sinh", vị hiệu trưởng này cho biết.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, cố vấn trường THPT Lương Thế Vinh, cũng mong muốn Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội sẽ sớm công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vào năm tới để các trường có kế hoạch giảng dạy, học sinh được chuẩn bị tâm lý, cha mẹ học sinh cũng an tâm, không phải lo lắng như ngồi trên đống lửa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn