Phụ huynh Hà Nội ủng hộ cấm sử dụng điện thoại trong giờ học

16:41 | 04/04/2018;
Dự định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học của Hà Nội được rất đông phụ huynh ủng hộ. Họ cho rằng, các con sẽ không bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại, thay vào đó sẽ dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động ngoại khóa và giao tiếp với nhau.
55461_ktvtt4199.jpg
Điện thoại di động chiếm rất nhiều thời gian của học sinh, ngay cả trong giờ học. Ảnh minh họa
 

5 phút chạy nhảy, trò chuyện cũng rất quý!

Thông tin với báo chí mới đây, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang dự kiến xây dựng quy định về việc sử dụng điện thoại và facebook trong trường học.

Điện thoại sẽ được quy định chặt chẽ hơn trong thời gian sử dụng tại trường của học sinh. Theo đó, có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi. Việc sử dụng điện thoại di động cấm tuyệt đối trong giờ học để tránh phân tâm khi học tập.

Một phương án khả thi khác của dự định này, theo ông Tiến là có thể ở các lớp sẽ có một chiếc tủ con để giữ điện thoại. Khi đến lớp, các em có thể cất điện thoại vào tủ và cuối giờ nhận lại. Học sinh nào vi phạm nội quy sẽ có những hình thức kỷ luật cụ thể.

“Dự kiến đây sẽ là các quy định, được đưa vào bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường: Từ trước đến nay, nhiều trường học trên địa bàn đã có các quy định riêng rẽ liên quan đến giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại và facebook. Do đó, Sở sẽ có các quy định thống nhất trên toàn thành phố” - ông Tiến cho hay.

Thông tin này lập tức được nhiều phụ huynh quan tâm và ủng hộ. Phần lớn cha mẹ khi được hỏi đều cho rằng đây là một biện pháp tích cực, nhằm hạn chế sự phụ thuộc của các con vào các thiết bị thông minh mà xao nhãng việc học hành.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh có con học lớp 8 tại trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho hay trường của con anh đã áp dụng hình thức này một thời gian và anh cảm thấy khá hài lòng. “Đầu giờ đến lớp, các con sẽ tập hợp tất cả điện thoại và nộp cho cô chủ nhiệm. Đến cuối giờ học các con ký sổ để nhận lại. Khi có trường hợp khẩn cấp muốn liên lạc với bố mẹ, con sẽ được tạm nhận lại điện thoại hoặc sử dụng điện thoại của cô giáo chủ nhiệm”.

Theo anh, không sử dụng điện thoại trong giờ học đã là điều cần thiết, và tốt nhất là không sử dụng điện thoại từ đầu đến cuối giờ học để các con không bị phụ thuộc vào các thiết bị này. “Nếu bị cuốn vào chiếc điện thoại, các con sẽ mải miết lướt web, facebook, chat với nhau qua mạng rất mất thời gian. Thay vào đó, các con sẽ trò chuyện, giao tiếp với nhau. Thậm chí, 5 phút chạy nhảy trên sân trường thôi cũng đã là rất quý và rất tốt cho các con!”.

Cần có quy định cụ thể về việc nộp - trả điện thoại

Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh có con học THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) luôn than phiền rằng con mình đang bị phụ thuộc ngày càng lớn vào điện thoại di động. Con bảo với chị là bây giờ phần lớn học, ôn thi online, rồi lập các nhóm nhỏ với nhau để trao đổi bài thay vì mất thời gian ngồi trực tiếp với nhau.

“Ngoài giờ học, kể cả giờ nghỉ ngơi, tôi cũng thấy con ôm máy tính hoặc điện thoại. Không sắm cho con điện thoại thông minh thì con không có phương tiện học tập, nhưng sắm rồi mới thấy con dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động khác rất mất thời gian khiến tôi sốt ruột vô cùng!”- chị Trang thở dài.

Chính vì vậy, khi có thông tin sẽ cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, đưa vào quy định toàn thành phố, chị Trang ủng hộ ngay. Theo nữ phụ huynh, học sinh đang bị thiếu hụt thời gian quá nhiều trong việc trò chuyện, chia sẻ và tương tác trực tiếp với nhau do phụ thuộc vào điện thoại. Điều này sẽ khiến trẻ đánh mất kỹ năng giao tiếp, chưa kể ảnh hưởng nhất định đến thị giác và sự hoạt bát.

“Nếu cấm, tôi nghĩ Sở nên cấm toàn diện theo kiểu từ đầu giờ đến cuối giờ học chứ không nên trả lại vào giờ ra chơi rồi sau đó lại thu lại, vừa mất thời gian vừa không cần thiết. Dẫu biết là một hình thức “cưỡng chế” ở mức độ nhẹ nhưng thà như vậy còn hơn là nỗi lo con mất tập trung trong giờ học và không giao tiếp với nhau khi ra chơi” - chị bày tỏ.

Tuy nhiên, vì cũng là một giáo viên nên chị cho rằng, việc thu nhận và trao trả điện thoại cho học sinh cần chặt chẽ, có quy trình thay vì quy hết phần việc này cho giáo viên chủ nhiệm (vốn đã rất nhiều việc).

“Cần có quy định như thế nào đó về việc nộp và trả điện thoại cho các em vì gộp lại mấy chục chiếc điện thoại cũng là một tài sản lớn. Nhà trường cần có cơ chế bảo quản điện thoại chặt chẽ, rõ ràng và phân công bộ phận độc lập để hỗ trợ giáo viên trong việc bảo quản điện thoại cho các con, tránh thất lạc đáng tiếc” - chị Trang nêu ý kiến.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn