Nghỉ việc ở nhà để canh giữ con khỏi bóng cười
Chị Đỗ Hồng Nhung là nhân viên văn phòng ở một công ty khá lớn trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Từ nửa năm nay chị đã phải xin nghỉ việc sau khi phát hiện cô con gái đang học lớp 11 theo bạn lên quán bar và sử dụng bóng cười.
Chị Nhung chia sẻ: “Bình thường con gái tôi khá kín đáo, nên tôi cũng yên tâm, nhưng một lần tôi phát hiện trong điện thoại của cháu có hình ảnh nó đang ngậm quả bóng trong một quán bar. Tôi gặng hỏi thì nó mới nói thật là có đi bar và thổi bóng cười theo các bạn, tôi điếng người khi nghe vậy. Mặc dù cháu có hứa với bố mẹ là sẽ không bao giờ tái phạm nhưng cả hai vợ chồng tôi đều không thể yên tâm, nên tôi chọn cách nghỉ việc để hàng ngày đưa đón con đi học để trông giữ cháu khỏi sa đà vào những thú chơi nguy hiểm này. Mình có một đứa con mà để nó hư hỏng thì quả thực rất ân hận, nên tôi chấp nhận nghỉ việc”.
Chị Trần Thị Thu ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, cho biết: “Kể từ khi con gái chị về Hà Nội học đại học vào năm 2022, nó theo bạn bè đi bar rồi hít bóng cười. Đến mức phải nhập viện vì ngộ độc, vợ chồng tôi nhận được tin mới tá hỏa chạy xuống Bệnh viện Bạch Mai, nhìn con nằm việc mà vừa thương vừa bực. Sau khi ra viện đó tôi không cho cháu ở trọ bên ngoài, mà bắt về nhà chú ruột ở để còn kiểm soát được. Nhưng quả thực là không lúc nào yên tâm, chỉ sợ nó lại sa vào nữa thì không biết phải làm thế nào.
Trên đây chỉ là một số trường hợp cụ thể trong rất nhiều trường hợp phụ huynh đang lo lắng và tìm mọi cách để bảo vệ con em mình trước những trò tiêu khiển đầy nguy hiểm mang tên bóng cười.
Hoàng Minh Hải, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ: “Theo tôi thì cha mẹ lo lắng, sợ con mình dính vào chất gây nghiện là điều phổ biến, dễ hiểu, đặc biệt là những bạn trẻ đi học xa gia đình. Nhưng quan trọng hơn cả là các bạn trẻ phải tự biết cách bảo vệ chính mình, tránh dính dáng vào các trò chơi vô bổ nhưng lại rất nguy hiểm cho bản thân và tốn kém tiền bạc như vậy. Ở lớp tôi đã có một bạn học hết năm thứ nhất thì phải nghỉ học, bởi cũng vì tham gia đi bar chơi bóng cười, sau thì dính vào bay lắc, nên kết cục là bị nghỉ học”.
Với nhiều tác hại của việc kinh doanh và sử dụng bóng cười bơm khí N2O, UBND thành phố Hà Nội đã cấm sử dụng bóng cười trong các cơ sở vi chơi giải trí, chỉ được sử dụng chất N2O vào mục đích công nghiệp. Thế nhưng có lẽ vì lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh bóng cười là rất lớn, nên nhiều cơ sở vui chơi giải trí vẫn lén lút kinh doanh để bán cho khách hàng có nhu cầu sử dụng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp tổ chức kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí có cung cấp bóng cười cho khách. Gần đây nhất là vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 14/12/2023, Tổ công tác của UBND phối hợp với Công an phường Trúc Bạch kiểm tra đột xuất quán “Mê Lounge” tại số 27 phố Nguyễn Khắc Hiếu và phát hiện cơ sở này kinh doanh “bóng cười”.
Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 2 bình khí N2O. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt cơ sở này vì hành vi sai phạm trên với số tiền phạt 24 triệu đồng và buộc tiêu hủy 2 bình khí, yêu cầu cơ sở kinh doanh trên không tái phạm.
Nhưng ngay sau đó, khi Công an phường Trúc Bạch tiếp tục phối hợp với Công an quận Ba Đình tái kiểm tra lại phát hiện quán này tiếp tục có hành vi kinh doanh bóng cười, hoạt động quá giờ quy định. Lực lượng chức năng đã thu giữ thêm 6 bình khí N2O tại đây.
Bà Nguyễn Minh Thư, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, cho biết: “Theo tôi thì các địa phương cũng nên làm như Hà Nội, cần phải cấm sử dụng bóng cười, để bảo vệ cho giới trẻ không dính vào thú chơi độc hại này mà hủy hoại cơ thể, gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và cho cả xã hội".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn