Lo từng nét bút, dáng ngồi
Những ngày này, chị Nguyễn Thu Cúc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy rối bời khi con gái nhỏ sắp vào lớp 1 và chuẩn bị cho một tuần học định hướng vào giữa tháng 8 này. Chị không cho con tham gia lớp "tiền tiểu học" nào, với mong muốn để mọi thứ thật mới mẻ khi con vào năm học mới. Nhưng mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi con có thể sẽ bắt đầu với một năm học online.
"Bình thường sẽ có cô giáo luyện cho từng nét chữ, dáng ngồi và kỷ luật học tập. Nhưng giờ việc này sẽ do bố mẹ uốn nắn là chủ yếu, tôi rất lo lắng. Một phần vì mình không thể theo sát con bởi còn công việc, phần nữa là không biết sẽ tạo thói quen kỷ luật cho con ra sao khi tất cả đối với con chỉ là... màn hình laptop. Cô giáo nói trước rồi con lại quên sau...", chị Cúc lo lắng cho biết.
Còn với chị Lê Khánh Ly (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), con của chị năm nay sẽ vào mẫu giáo nhưng với tình hình dịch như hiện nay, chị không biết con sẽ còn phải đối mặt với sự bí bách này trong bao lâu nữa. Là nhân viên ngân hàng, chị Ly được làm việc tại nhiệm sở 50%, thời gian còn lại làm ở nhà.
Ba đứa con của vợ chồng chị Ly đều ở tuổi "trứng gà, trứng vịt", dù có sự hỗ trợ của ông bà nội nhưng chị Ly vẫn cảm thấy lo lắng. Chị chia sẻ, ở lứa tuổi đáng lẽ được tìm hiểu, vui chơi, được tiếp xúc với bạn bè và hình thành những kỹ năng mới mang tính dấu mốc, thì con của chị vẫn quanh quẩn trong nhà.
"Cũng may mà bà nội của cháu trước đây là giáo viên, có thể hỗ trợ định hướng cho cháu nhưng còn hai đứa trẻ nữa, đứa bé hơn một tuổi còn đứa lớn năm học này vào lớp 2, mình bà không thể xoay hết. Chỉ mong sao sớm kiểm soát được dịch bệnh để con trẻ lại được đến trường" - chị Khánh Ly cho biết.
Sẵn sàng cho một năm học biến động
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT ngày 4/8 đã ban hành khung năm học mới 2021-2022, đưa ra các mốc quan trọng của năm học về ngày tựu trường, lễ khai giảng.
Bộ chỉ đưa ra khung năm học "cứng", còn lại giao cho UBND các tỉnh, thành phố chủ động bố trí sắp xếp linh hoạt theo tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, nhằm giảm áp lực cho phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ GD&ĐT cũng đã sớm đưa ra văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục không tăng học phí năm học mới.
Theo Bộ GD&ĐT, thực tế thời gian qua một số địa phương, một số cơ sở giáo dục vẫn tăng học phí, thu các khoản ngoài quy định trong lúc đời sống người dân gặp khó khăn. Vì vậy, trước mắt không tăng học phí, đồng thời để giữ ổn định mức học phí, các trường cần rà soát và tổ chức hoạt động dạy học hợp lý, chất lượng, trong đó chú ý đến việc cắt giảm tiết kiệm chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục không cần thiết.
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ vào các văn bản pháp lý đã ban hành để tính toán, xác định mức thu hợp lý theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn