Phụ huynh lo ngại khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

19:16 | 29/11/2023;
Trước thông tin Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án môn thi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đa phần các thí sinh, phụ huynh vui mừng vì áp lực thi cử đã giảm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng việc hội nhập quốc tế sẽ khó khăn.

Đa phần các phụ huynh đều ủng hộ phương án thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

"Ở nông thôn nên gia đình tôi không có điều kiện cho con học tiếng Anh từ nhỏ. Không được đầu tư học, không yêu thích môn tiếng Anh nên cố gắng lắm môn tiếng Anh của con vẫn dưới điểm trung bình. Nếu tiếng Anh là môn thi bắt buộc như những kỳ thi trước đây, thực sự tôi luôn cảm thấy nơm nớp lo. Chỉ lo, nhỡ con bị điểm liệt môn tiếng Anh thì tất cả những cố gắng, nỗ lực của con trong suốt những năm học vừa qua "đổ xuống sông, xuống bể". Bỏ môn tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc, những học sinh, phụ huynh ở nông thôn, ở miền núi, vùng cao đều cảm thấy đỡ áp lực", chị Phạm Thị Nguyệt (xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) phấn khởi cho biết

Không chỉ phụ huynh ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn mới vui mừng khi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn mà không có Ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh ở thành thị, có điều kiện đầu tư cho con học tiếng Anh từ nhỏ, cho con thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, SAT… cũng cảm thấy sung sướng.

"Tôi xác định cho con thi khối D (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ) nên cho con thêm học tiếng Anh ở các trung tâm có tiếng, giáo viên giỏi. Chúng tôi luôn xác định, tiếng Anh sẽ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với việc tiếng Anh không thuộc môn thi bắt buộc, những học sinh học khối D lại cảm thấy mừng nhất. Bởi, các con sẽ chỉ phải thi thêm 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp. Việc học hành, thi cử với các con khối D vì thế cũng giảm tải hơn rất nhiều", chị Trần Thu Hà (phố Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết.

Phụ huynh lo ngại khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc- Ảnh 2.

Việc thi tốt nghiệp THPT của con luôn là mối quan tâm rất lớn của phụ huynh. Ảnh: T.H

Việc chỉ còn thi 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (thay vì thi 6 môn như trước đây), nhất là môn Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc, đa phần nhận được ý kiến ủng hộ, nhất trí của các học sinh, phụ huynh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người lo ngại bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc sẽ khiến phong trào học tiếng Anh giảm bớt. Như thế sẽ ảnh hưởng đến xu thế hội nhập quốc tế.

"Những năm gần đây, phong trào học tiếng Anh của học sinh Việt Nam đang đi lên. Nếu bỏ môn tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc, đồng nghĩa với việc 'phổ cập' tiếng Anh thụt lùi một bước. Điều này sẽ dẫn tới việc có nhiều học sinh 'mít đặc' tiếng Anh. Đây cũng là điều đáng lo ngại cho tương lai của thế hệ trẻ", chị Nguyễn Mai Anh (phố Nguyên Hồng, Hà Nội) trăn trở.

Liên quan đến việc bỏ bắt buộc thi môn Ngoại ngữ với 7 thứ tiếng, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc xem nhẹ bộ môn ngoại ngữ.

"Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xem các môn học quan trọng như nhau. Bên cạnh đó, thí sinh không bắt buộc nhưng vẫn được lựa chọn thi môn ngoại ngữ. Ngoài ra, việc học ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3, có đánh giá, kiểm tra trong suốt các năm phổ thông. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng bộ môn này" - GS Chương phân tích.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn