Với nhiều trẻ, lớp 5 tuổi ở trường mầm non sẽ được các cô giáo dạy mặt chữ cái, mặt số. Thế nhưng, cả năm học vừa qua, các trường mầm non đóng cửa vì dịch Covid-19 khiến các con không được đi học.
Có con chuẩn bị bước vào lớp 1 mà thời điểm này vẫn "mù chữ", chị Kiều Anh (Trung Tự, Hà Nội) khá sốt ruột. Cả năm nay, hôm nào chị cũng phải gửi con gái cho ông bà ngoại trông. Ông trông xe, bà bán hàng, con gái 5 tuổi của chị ở nhà quanh quẩn, tự chơi một mình.
Chị Kiều Anh cũng đi làm cả ngày, thậm chí làm thêm ca tối nên không có thời gian dạy con. Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào lớp 1, con hoàn toàn chưa biết mặt chữ cái nào khiến chị Kiều Anh khá lo lắng. "Tôi đang tìm lớp dạy chữ cho con nhưng hầu như các lớp đã dạy các con đến ghép vần, viết chữ. Tìm cô giáo kèm riêng con thì tôi không có điều kiện", chị Kiều Anh chia sẻ.
Giống như chị Kiều Anh, nhiều cha mẹ cũng không có điều kiện thuê giáo viên dạy chữ trước cho con. Vì thế, họ cảm thấy không yên tâm trước việc con khó mà theo được các bạn đã học trước. Tâm lý của nhiều cha mẹ là trước khi vào lớp 1, con phải biết ghép vần, biết viết những nét cơ bản. Thế nên, mọi người đều thi nhau cho con đi học chữ trước.
Chị Nguyễn Thị Thu (tác giả cuốn sách Kỷ luật mềm trong gia đình) cho biết, đối với những trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, điều quan trọng hơn việc dạy chữ, dạy số cho con là cha mẹ cần giúp trẻ tự chủ việc học. Dưới đây là những điều bố mẹ cần điều chỉnh cho con để trẻ có hứng thú với việc học:
Nuôi dưỡng thói quen tự chủ trong suy nghĩ cho trẻ: Đa số trẻ ngay từ giai đoạn tiền tiểu học, bố mẹ chưa chú trọng nuôi dưỡng thói quen "chủ động trong suy nghĩ và nền nếp sinh hoạt". Giai đoạn mầm non kéo dài đến giai đoạn tiểu học, trẻ thiếu những trải nghiệm được tự mình giải quyết vấn đề, tự mình phải nghĩ xem mình nên làm như thế nào nên đến khi phải đối diện với vấn đề học tập, trẻ lúng túng và không biết nên bắt đầu ra sao.
Nếu bố mẹ cứ tiếp tục giục thì trẻ chỉ làm theo yêu cầu của bố mẹ, mà không coi đó là việc của bản thân. Vì vậy, bố mẹ hãy tạo thói quen nuôi dưỡng kỹ năng tự suy nghĩ và tính chủ động cho trẻ thông qua những trải nghiệm hàng ngày.
Rèn nếp sinh hoạt có quy tắc: Một đứa trẻ sẽ rất khó tự giác ngồi vào bàn học nếu như chúng không có thói quen tuân theo những quy tắc trong gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn