Một trong những mối lo ngại lớn nhất của các bậc phụ huynh là việc thay đổi này có thể khiến áp lực học tập và thi cử đè nặng lên học sinh.
Chị Nguyễn Thị Minh, một phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Hà Nội, chia sẻ: "Hiện tại, các con phải học rất nhiều môn để đảm bảo kiến thức toàn diện. Tốt nhất là cho học sinh học chung một bộ sách giáo khoa, chốt luôn môn thi thứ 3 từ đầu năm để các con không quá áp lực trong việc học tập, thi cử".
Cùng tâm trạng lo lắng, năm nay gia đình chị Phan Thị Hải có hai con sinh đôi sẽ thi vào lớp 10, chị Hải bày tỏ, lẽ ra học sinh học xong THCS sẽ phải có chỗ cho các con vào lớp 10, không nhất thiết phải căng thẳng như bao năm qua. Vậy mà năm nào thi vào lớp 10 phụ huynh, thí sinh cũng căng như dây đàn, lo đến mất ăn mất ngủ, có thí sinh không trúng tuyển đã nghĩ quẩn. Những chuyện đau lòng như vậy, bao giờ mới có thể chấm dứt. "Tôi mong những gì liên quan đến thi cử thì được quyết sớm để thí sinh, nhà trường đỡ khổ. Một kỳ thi vốn đã căng thẳng mà thay đổi liên tục khiến nhiều gia đình có con học lớp 9 thấy mệt mỏi vô cùng!".
Điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn là Sở GD-ĐT không chọn môn thi thứ 3 quá liên tiếp 3 năm. Chị Nguyễn Thị Hồng Diệp (Quận Tân Bình, TPHCM) lo lắng: Chúng tôi đang mừng vì Sở GD-ĐT TPHCM chọn môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ và nghĩ rằng môn thứ 3 này sẽ cố định trong nhiều năm. Với quy định không chọn môn thi thứ 3 quá liên tiếp 3 năm sẽ khiến những học sinh lớp sau rất áp lực. Bởi môn thi thứ 3 rơi vào môn tổ hợp, không phải là thi 3 môn mà các con phải thi 4, 5 môn. Áp lực học tập theo đó cũng sẽ tăng".
Để giảm bớt lo lắng, nhiều phụ huynh kiến nghị các địa phương sớm công bố môn thi thứ ba, ít nhất là trước một năm học. Điều này giúp học sinh có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn. Đồng thời, phụ huynh mong muốn Bộ có chính sách thống nhất để tránh tình trạng mỗi địa phương lựa chọn môn thi quá khác nhau, gây mất cân bằng trong chất lượng giáo dục.
"Điều học sinh và phụ huynh cần nhất, đó là sự ổn định. Chính vì vậy, phụ huynh chúng tôi tha thiết mong Bộ GD-ĐT có những quy định về thi cử nhất quán, công bố từ đầu năm học và ổn định trong nhiều năm. Ngoài ra, học sinh cũng cần được hướng dẫn cách ôn tập khoa học, không nên để việc thi cử trở thành áp lực lớn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các em", chị Nguyễn Thị Minh đề xuất.
Theo Thông tư 30/2024 của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, từ năm học 2025 - 2026 trở đi, các địa phương sẽ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập bằng 3 môn: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 do địa phương tự chọn.
Có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học hoặc bài thi tổ hợp có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
Thông tư cũng quy định thời điểm công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kì I (khoảng cuối tháng 12) nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hằng năm.
Về thời gian làm bài thi, Thông tư quy định, môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn