Phụ huynh muốn "né", VNEN vẫn được "tung hô"

12:18 | 12/09/2017;
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) gây phản ứng khi công bố kết quả đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam. WB cho rằng VNEN đã tạo ra tác động rất tích cực cho học sinh. Đánh giá này bị cho là thiếu thực tế.

WB đánh giá về VNEN thế nào?

Công bố của WB cho thấy, lợi thế của Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản lý thời gian và giữ lời hứa.

Học sinh VNEN cũng có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ, quan tâm tới anh chị em, bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.

Những nhận định "có cánh" của WB về VNEN đang khiến dư luận tranh cãi. Ảnh minh họa 

Không chỉ vậy, học sinh theo mô hình này còn phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp.

Mô hình VNEN cũng cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh. Điều này thể hiện qua năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật và thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng. Điểm thi của môn tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống.

Bên cạnh đó, học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau. Học sinh có các hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, cũng như có thêm các cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể…

Bộ GD&ĐT: WB đánh giá chủ quan về VNEN

Trao đổi với báo chí ngày 12/9, ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thừa nhận báo cáo và nhận định này của WB có phần mang tính chủ quan.

“Với phương pháp nghiên cứu khoa học, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo là khách quan, tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá” - ông Hữu nói.

Theo ông, báo cáo này căn cứ vào những số liệu nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích khá sâu và có đánh giá thỏa đáng, nhưng nếu những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN được phân tích một cách sâu sắc  hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết thì báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.

Ông Nguễn Đức Hữu nhìn nhận thêm, thực tế triển khai ở các địa phương cho thấy, khi áp dụng VNEN đa số các trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và đã tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, ở một số nơi do nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ về phương pháp giáo dục theo VNEN; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên,…

“Trong khi triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội”- ông Hữu nhấn mạnh.

Giáo viên phản ứng với báo cáo "trên mây"

Ngay sau những công bố “trên mây” này, rất nhiều ý kiến của giáo viên, phụ huynh phản hồi sự bức xúc khi những gì mà WB đánh giá về VNEN không đúng như thực tế của chính họ đã trải nghiệm. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt địa phương chính thức dừng mô hình này sau một thời gian ngắn thí điểm.

Cô Lê Thị Hải (GV tiểu học tại TP Vinh, Nghệ An) cho biết, bản thân cô từng dạy mô hình này và thấy quá nhiều bất cập. Điều mà cô cảm thấy buồn cười nhất là dạy VNEN nhất thiết phải khiến học sinh chia nhóm nhỏ ra và cùng bàn luận mọi vấn đề của bài học.

Trong khi đó, GV muốn dạy hay mở rộng bài học thì không được phép vì quy định cho rằng như vậy là làm thay học trò. “Học sinh tự học mãi không xong, còn GV thì thừa thãi vì không được phép can dự vào cuộc tranh luận của các trò!” - cô chia sẻ.

Còn theo thầy giáo Đinh V.T (dạy tiểu học ở Hà Tĩnh), dạy VNEN rất hình thức về mặt trang trí, đòi hỏi quá nhiều vật dụng, biểu bảng, trong khi diện tích lớp chật chội, kinh phí thì hạn hẹp. Việc GV bỏ tiền túi ra để làm đẹp lớp theo đúng khuôn mẫu là điều thường xuyên diễn ra.

“Thầy cô và học trò đều rất bị động, các em hơi thụ động khi phải theo khuôn mẫu, việc làm việc nhóm cũng vậy, em nào càng nhút nhát càng có cớ để ngồi im vì đã có nhiều bạn khác đại diện phát biểu” - thầy V.T nói.

                                         “Bộ GD&ĐT không buông tay với VNEN!”

Khó khăn lớn nhất là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về VNEN còn hạn chế và nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lí, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ đang tiếp tục triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học, trong đó chú trọng tập huấn qua mạng, nâng cao vai trò "tự học" và "thực hành" theo tinh thần "tập huấn tại công việc" mà Bộ đã chỉ đạo trong những năm qua.

Chúng tôi không buông tay với VNEN. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN. Trong đó nhấn mạnh, những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ dừng triển khai và chỉ lựa chọn một số thành tố tích cực của phương pháp giáo dục này để áp dụng. Chúng tôi sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN.
                    Ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn