Mới đây, sau một bữa ăn bán trú vào đầu năm học, hàng chục học sinh trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài, phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám và điều trị.
Sau khi vào cuộc, cơ quan chức năng bước đầu nhận định vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều học sinh của trường nhập viện sau bữa ăn bán trú là do vi sinh. Điều đáng nói là qua kiểm tra bếp ăn bán trú của nhà trường, cơ quan phát hiện thiếu lưới phòng, chống côn trùng theo quy định. Nhà trường sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được xét nghiệm.
Cũng tại huyện Đông Anh (Hà Nội), ngày 10/9, 11 học sinh của trường Tiểu học Lê Hữu Tựu bị rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn bán trú. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bữa ăn bán trú cho học sinh do trường thuê một hộ kinh doanh vào nấu tại trường.
Còn tại TPHCM, chỉ trong tuần đầu tiên khai giảng năm học mới 2020-2021, trên địa bàn thành phố đã có tới 2 vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục trẻ em phải nhập viện. Cụ thể, ngày 12/9, tại khoa Nhi, Bệnh viện quận 2, TPHCM, có hàng chục phụ huynh của trường Tiểu học Bình Trưng Đông đưa con đến khám và nhập viện trong tình trạng nôn, ói, sốt, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. Số lượng học sinh nhập viện cùng chung biểu hiện trên đến ngày 14/9 lên đến 50 học sinh và 1 giáo viên, 1 bảo mẫu. Điều đáng nói, đến nay kết quả xét nghiệm vẫn chưa có và phải đợi từ 10 đến 14 ngày.
"Khi gửi con vào trường, phụ huynh chỉ biết tin tưởng nhà trường mà thôi. Chúng tôi hy vọng các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm, cung cấp suất ăn nấu sẵn cho các trường học hay nhân viên bếp ăn nhà trường phải nấu bằng cái tâm".
Chị Đỗ Thị Lan Vy (quận Thủ Đức, TPHCM)
Chị Phan Thị Hiền, phụ huynh có con là học sinh lớp 1, trường Tiểu học Bình Trưng Đông, chia sẻ: "Chiều 11/9, con tôi đi học về sức khỏe vẫn bình thường. Đến tối 12/9, bé có biểu hiện sốt nhưng không ói. Tôi nghĩ bị viêm họng nên để ở nhà. Cháu tiếp tục sốt cao đến 39oC. Tôi lên nhóm phụ huynh của lớp thì thấy nhiều cha mẹ tương tác nêu chung biểu hiện. Sáng 13/9, nhà trường cũng có họp thông báo về tình trạng nhiều em nghi bị ngộ độc. Vậy nên tôi đã đưa con đi bệnh viện. Kết quả xét nghiệm là nhiễm trùng đường ruột. Tôi nghi ngờ bị ngộ độc chậm do ăn thực phẩm ở trường".
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) khiến nhiều học sinh phải nhập viện, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2, cho biết, 100% trường học đều tổ chức bếp ăn độc lập và nấu tại trường, đảm bảo quy trình một chiều. Bên cạnh đó, hàng năm, đầu năm học, phòng GD-ĐT quận đều tổ chức các lớp về an toàn thực phẩm cho hiệu trưởng các trường học. Từ vụ việc trên, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng đứng ra nhận trách nhiệm với tư cách đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương.
Phụ huynh chăm sóc trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện quận 2, TPHCM - Ảnh: Phạm Thương
Các vụ việc trên làm dấy lên lo ngại của không ít phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú của con tại trường. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan quản lý về kiểm soát an toàn thực phẩm tại các trường học hiện nay như thế nào? Bởi hiện nay, việc kiểm soát thường trong tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", xảy ra sự cố mới đi xử lý chứ không có tính chất phòng ngừa. Một vấn đề nữa là sự phối hợp giữa nhà trường và các tổ chức như ban phụ huynh trường trong kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú của các con, liệu có được thực hiện như cam kết trong những cuộc họp phụ huynh đầu năm?
"Con tôi cũng bị nhiễm trùng đường ruột nghi do ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) vừa qua. Tôi thực sự rất lo lắng. Tôi đề nghị phải cho phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn học đường thường xuyên. Tôi nghĩ nếu các trường có tổ chức ăn bán trú đều duy trì được sự vào cuộc của phụ huynh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ giảm đi đáng kể".
Anh Phan Văn Hậu (phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM)
Chị Lại Thu Lương, phụ huynh có con học một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết, thực tế, khi cánh cổng trường khép lại sau buổi sáng đưa con vào lớp thì cha mẹ không nắm được bữa ăn trưa của con sẽ như thế nào. Nhà trường không có cơ chế để phụ huynh kiểm tra, thậm chí là trải nghiệm thực tế bữa ăn của các con. Hoặc nếu có thì là những buổi kiểm tra được báo trước, nặng hình thức. "Có lần tôi lấy cớ mang chăn cho con, buổi trưa vào trường để xem con ăn uống thế nào, lúc đó mới được trực tiếp "mục sở thị" về quy trình phát cơm, rồi ăn uống của các con", vị phụ huynh này chia sẻ. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh tại Hà Nội có con học ở các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt với những trường có lượng học sinh đông.
Một số chuyên gia cho rằng, với bữa ăn bán trú, nhà trường cần ưu tiên hàng đầu các nguyên tác đảm bảo an toàn thực phẩm. TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng, trước hết việc vệ sinh cá nhân cho học sinh phải được duy trì ở mức cao: Rửa tay nhiều thời điểm trong ngày (trước và sau khi ăn với nước sạch và xà phòng). Quy trình kiểm soát bữa ăn phải đúng như: Tiệt trùng dụng cụ chế biến, nấu nướng, bát đũa của học sinh, vệ sinh lớp học và nhà bếp của trường thường xuyên.
"Tiêu chí vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh cần có sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn mới đạt hiệu quả. Nếu mỗi cá nhân, đơn vị cùng chung tay, có ý thức trách nhiệm cao thực hiện những nguyên tắc trên thì học sinh sẽ có những bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh", TS Trương Hồng Sơn nói.
Nói về trách nhiệm quản lý, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng, ngoài việc yêu cầu tăng cường giám sát, kiên quyết không để đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn không bảo đảm an toàn tại các nhà trường, Sở yêu cầu các trường học lưu ý hơn trong khâu vệ sinh dụng cụ nấu, khay, bát ăn... của học sinh. "Những đơn vị có sai phạm, lơ là trong việc tuân thủ các quy định an toàn, vệ sinh thực phẩm, để xảy ra hiện tượng học sinh bị ngộ độc thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc", ông Phạm Xuân Tiến cho hay.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chế tài này chưa đủ mạnh. Bản thân các trường phải có cơ chế mở để đại diện phụ huynh của trường có thể tham gia khâu kiểm soát bữa ăn của trường. Nhà trường cũng nên công khai, minh bạch quy trình chọn đơn vị cung cấp nguyên liệu, đơn vị nấu nướng hoặc quy trình nấu ăn tại bếp ăn của trường để phụ huynh cùng nắm và theo dõi.
Với thực tế hiện nay, ở phần lớn các cơ sở giáo dục công lập, phụ huynh "mù mờ" về bữa ăn của con, để đến khi sự việc xảy ra mới giật mình về khâu đảm bảo an toàn thực phẩm thì không biết đến khi nào chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh mới thật sự được kiểm soát tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn