Có con học ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nên chị Nguyễn Thị Duyên (Mỹ Lộc, Nam Định) không quá lo lắng về việc học của con. Từ khi bùng phát dịch Covid -19, dù không phải đến trường nhưng con gái chị vẫn tự giác, chăm chỉ học online, học trên truyền hình. Chị Duyên cho biết, nguyện vọng của con là thi ĐH Kinh tế quốc dân nên con còn đăng ký học online của các giảng viên trường này.
Điều khiến chị Duyên và con gái lo lắng là đến cuối tháng 4 rồi mà các trường ĐH vẫn chưa có phương án tuyển sinh rõ ràng, cụ thể. "Đến giờ, việc thi cử của các con vẫn thay đổi chóng mặt. Chúng tôi mới được biết thông tin sẽ có kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển cho một số trường ĐH. Tuy nhiên, một số trường ĐH top đầu sẽ tổ chức thi riêng. Thế nhưng, cụ thể các trường nào sẽ tổ chức thi riêng, thời gian thi thế nào… đến thời điểm này vẫn chưa có khiến phụ huynh, học sinh vô cùng hoang mang", chị Duyên cho biết.
Theo chị Duyên, điều khiến giáo viên, học sinh lo lắng hơn khi không biết cấu trúc thi của các trường để có phương án ôn tập hiệu quả. "Nguyện vọng của con tôi là thi ĐH KTQD nên sẽ ôn luyện giảng viên ở trường này. Tuy nhiên, con vẫn còn nguyện vọng ở một vài trường khác thì việc ôn tập sẽ ra sao. Chúng tôi thực sự mong muốn các trường đưa ra phương án tuyển sinh sớm nhất, cụ thể nhất. Có như vậy, học sinh, phụ huynh mới xác định rõ phải học thế nào, chọn trường gì cho phù hợp".
Như mọi năm, việc học không bị gián đoạn vì dịch bệnh thì phụ huynh, học sinh lớp 12 đã rất căng thẳng vì kỳ thi THPTQG. Năm nay, việc học sinh không được đến trường suốt mấy tháng liền đã ảnh hưởng khá nhiều đến tinh thần học tập của các em. Chưa hết, việc thi cử lại "thay đổi như chong chóng" khiến học sinh thêm nhiều áp lực, phụ huynh lo lắng.
Điều khiến phụ huynh ở các tỉnh như chị Duyên lo lắng là các trường top đầu tổ chức tuyển sinh riêng sẽ khiến phụ huynh, học sinh lại phải "rồng rắn" kéo nhau lên Hà Nội. "Ngoài việc các con phải tham dự kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp, các con lại phải lên Hà Nội để thi vào trường top đầu. Không ai có thể nắm chắc thi 1 trường đã đỗ nên các con phải thi 2-3 trường. Điều này không chỉ gây tốn kém, vất vả cho phụ huynh mà các thí sinh cũng rất mệt mỏi. Giá mà các con chỉ phải tham gia 1 kỳ thi THPTQG như mọi năm và việc coi thi thật nghiêm túc, lấy điểm xét tuyển ĐH thì tốt biết mấy", chị Duyên chia sẻ.
Đau đầu chọn trường cho con
Không phải ở tỉnh, con cũng không thi vào trường top đầu nhưng chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Diễn, Hà Nội) những ngày này cảm thấy vô cùng "tá hỏa". Chị không thể tập trung vào làm việc gì vì lúc nào cũng tìm thông tin chọn trường cho con. "Con tôi có sức học khá nên con sẽ thi vào trường top giữa. Cũng chính vì các trường chưa có thông tin tuyển sinh cụ thể nên tôi không biết chọn trường nào phù hợp cho con. Tôi mong muốn Bộ GD-ĐT thông tin thật rõ ràng về phương án tuyển sinh của các trường, về cách thức thi hay tính điểm thế nào để phụ huynh, học sinh không còn mơ hồ", chị Trang bày tỏ.
Như mọi năm, thí sinh có thể thi và được tính điểm ở 2 khối nhưng với phương án tuyển sinh chưa rõ ràng như năm nay khiến việc ôn thi của các em rất bị động. "Thời điểm này các năm trước, các con đã hoàn thành hồ sơ thi ĐH. Năm nay, các trường có phương án tuyển sinh riêng cần thông báo sớm. Chỉ còn hơn 3 tháng là đến kỳ thi, nhiều con học khối A1 (Toán, Lý, Anh), giờ quay sang học thêm Hóa, Sinh chẳng biết có kịp không. Hay những con không xác định được khối thi mà chỉ đợi thầy cô ôn thì sẽ rất hoang mang", anh Nguyễn Văn Ngọc (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Như PNVN phản ánh, Bộ GD&ĐT đã có thông tin, năm nay sẽ không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như mọi năm mà tổ chức Thi tốt nghiệp THPT. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Thế nhưng, ở thời điểm này, nhiều phụ huynh có con năm nay thi ĐH vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT chỉ nên tổ chức 1 kỳ thi THPT QG như mọi năm để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn