Phụ huynh thắc mắc con giao tiếp tiếng Anh "như gió" nhưng viết kém gây tranh luận trái chiều

21:59 | 13/12/2022;
Một vài dòng xin tư vấn của phụ huynh trong hội nhóm đã thu hút hàng trăm bình luận với đủ ý kiến trái chiều.

"Đến giờ em không hiểu tại sao: Con em học lớp 8 đọc tốt, nghe tốt, nói tốt, phản xạ tốt, có thể nói chuyện với người nước ngoài: Philippines, Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nam Phi... được cả, thậm chí có thể nói chuyện về khoa học, lịch sử vài tiếng đồng hồ với họ. 

Nhưng khi viết đoạn văn thì phải gọi là "ối giồi ôi" luôn, không phân biệt được thì nào với thì nào, câu cú lủng củng, tóm lại là yếu hơn rất nhiều so với các kỹ năng khác" - Những dòng thắc mắc của một bà mẹ ở Nha Trang về việc học tiếng Anh của con trên một hội nhóm mới đây thu hút nhiều sự chú ý. Nói rõ tình trạng hiện tại của con, chị cũng mong muốn tìm một giáo viên dạy ngữ pháp và dạy viết tốt để giúp con cải thiện kỹ năng này. 

hh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dòng chia sẻ này ngay lập tức nhận về nhiều ý kiến góp ý và cả những phản hồi trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng, khi viết, con không bị áp lực phải ứng đối trả lời ngay với người đối diện, con có đủ thời gian để cân nhắc câu chữ, mà vẫn sai lỗi Grammar (ngữ pháp) thì lúc con nói, con phải trả lời và đối đáp qua lại liên tục, câu cú và độ chính xác Grammar trong văn nói của con như thế nào? 

"Nói nhoay nhoáy mà sai bét nhè ngữ pháp thì là tiếng Anh bồi thôi. Người nước ngoài nghe từ vựng rồi đoán nội dung thì đủ hiểu để nói thôi. Tóm lại, đừng thấy con nói nhoay nhoáy mà tưởng con giỏi tiếng Anh. Tiếng Anh bồi khác với tiếng Anh chuẩn chỉnh. 

Ngôn ngữ đường phố thì khác với ngôn ngữ học thuật. Người có học thì có thể nói ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, nhưng luôn chuẩn chỉnh. Người không học đến nơi đến chốn, nói ít sai ít, nói nhiều thì sai nhiều. Muốn nói giỏi thì phải nói đúng, rồi mới đến nói hay", một người nêu ý kiến.

Tuy nhiên, nhiều người nhận định, việc nói đúng nhưng viết sai là điều có thể hiểu được. Không chỉ người Việt Nam mà ngay cả dân bản xứ - nơi ngôn ngữ chính là tiếng Anh vẫn gặp phải tình trạng này. Một người cho biết, dù bản thân là "dân" sư phạm ngoại ngữ, đi dạy mấy năm, qua Úc đi học rồi đi làm mà nói năng còn lủng củng dù ngữ pháp chắc chẳng thua ai. Sếp và đồng nghiệp là dân Úc, cha mẹ Úc, sinh ra, lớn lên và đi học ở Úc mà họ viết ngữ pháp cũng sai, câu cú không chuẩn chỉnh...

Phụ huynh, giáo viên nói gì?

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Hoàng Thu Trang, một phụ huynh đồng hành cùng con tự học đa ngôn ngữ, cho rằng: Việc học Grammar rất quan trọng và đó là một quá trình lâu dài, mất thời gian, nên được đầu tư song song cùng với các kĩ năng khác như nói/đọc/nghe. Vì thế, chị không bao giờ coi nhẹ việc phải viết và nói đúng ngữ pháp.

Tuy nhiên, chị Trang nhận định: "Việc một bạn nhỏ nói tốt tiếng Anh, có thể nói hàng giờ với người nước ngoài về nhiều chủ đề nhưng viết sai ngữ pháp (không rõ sai ở đây mức độ như thế nào, lỗi chia động từ hay viết sai chính tả) nhưng với mình đó là điều dễ hiểu và khá bình thường. Đối với học sinh bản xứ, chuyện đó xảy ra thường xuyên. Từ quan điểm bản thân, mình cho rằng việc viết đúng sẽ nói đúng là đương nhiên. Nhưng viết không đúng CHƯA CHẮC đã nói không đúng".

hh - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang.

Bé Kevin con chị Trang năm nay 11 tuổi, là người Pháp, nói tiếng Pháp chuẩn, học trường tư xịn (top 3 ở Pháp). Nhưng tuần trước, con vừa mang 1 điểm dưới trung bình môn Chính tả về nhà. Và nửa lớp con dưới trung bình. Cả học kỳ vừa rồi, lớp bé Kevin điểm liệt môn Chính tả, Ngữ pháp, Tập làm văn… la liệt. 

"Các bạn ấy nói tiếng Pháp chắc chắn là ít sai, thậm chí là không sai, nhưng khi viết thì vẫn ít nhiều chia sai động từ, sai giống, sai thì, thiếu s thiếu dấu… Môn Chính tả và Ngữ pháp luôn là một trong những môn khó, học suốt từ cấp 1 lên đến cấp 2. Con mình lớp 6 tuần nào cũng kiểm tra chia động từ "bạc" cả mặt, chia đến 8 thì, có lúc 10 điểm cũng có lúc chỉ 7-8 điểm. Còn tuần trước đặc biệt điểm liệt", chị Trang nói.

Nên theo chị, việc của bố mẹ là không sốt ruột, cũng nên đầu tư cho con học ngữ pháp cẩn thận, học nhiều năm, học chắc chắn. Kĩ năng Nói có thể tiến bộ trông thấy trong thời gian ngắn nếu thực hành đủ nhiều, nhưng ngữ pháp/viết lách mạch lạc, câu cú rõ ràng… thì phải tính bằng năm vì có rất nhiều nội dung phải học. Bố mẹ cũng đừng hoảng hốt khi thấy con mình nói tốt nhưng viết sai. Hãy đầu tư thêm vào ngữ pháp song song với các kĩ năng khác chứ đừng coi nhẹ, và hãy thật kiên nhẫn!

Anh Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách, giáo viên tiếng Anh ở TP HCM cho rằng, nói giỏi chưa chắc đã viết giỏi vì văn phong viết khác hoàn toàn với văn phong viết. Văn nói thì chú trọng đến ngữ điệu và nội dung, ngữ pháp có thể bị lược giản nếu không ảnh hưởng lớn tới nội dung cần truyền đạt. Người nói cũng không nhất thiết phải nói đúng cấu trúc câu mà chủ yếu là làm sao để người nghe hiểu được ý của mình.

Trong khi đó, viết thì bắt buộc cần phải đúng ngữ pháp và cấu trúc. Và nguyên tắc sử dụng ngữ pháp cũng như cấu trúc câu đặc biệt là đối với việc viết theo văn phong chuẩn là tương đối phức tạp, đòi hỏi phải được rèn luyện nhiều mới quen. Anh Viễn chia sẻ, nhiều học viên của mình cũng thường mắc phải tình trạng nói rất lưu loát nhưng viết sai những lỗi rất cơ bản. Đây là chuyện bình thường. Người bản ngữ cũng thế.

hh - Ảnh 3.

Anh Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách, giáo viên tiếng Anh ở TP HCM

"Nhiều người Việt ở nước ngoài lâu năm nói rất tốt nhưng bảo viết một câu đúng ngữ pháp vẫn không viết được. Thậm chí, người Việt nói tiếng Việt thành thạo, sử dụng hàng ngày trong giao tiếp nhưng đụng tới viết thì vẫn viết sai cấu trúc câu như thường. Nhưng chúng ta không thể nói rằng người Việt nói tiếng Việt hàng ngày thành thạo nhưng không viết tốt tiếng Việt là đang nói "tiếng Việt bồi" được.

Các bạn trẻ ngày nay học tiếng Anh qua phim ảnh, video clip của người bản ngữ trên mạng nên sẽ không nói tiếng bồi đâu mà đôi khi còn nói giỏi hơn những thầy cô trước giờ chỉ biết dạy trong sách giáo khoa nhưng không hề có trải nghiệm giao tiếp thực tế", anh Viễn nói.

Khi nào nên chú trọng việc học ngữ pháp?

Trên thực tế, nghe, nói, đọc và viết là bốn kỹ năng mà bất kỳ ai học tiếng Anh cũng cần phát triển. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc học chú trọng về ngữ pháp hiện nay làm người Việt yếu kém trong giao tiếp tiếng Anh, chỉ một tỷ lệ nhỏ cho rằng vẫn cần đầu tư mạnh cho ngữ pháp và kỹ năng đọc, viết. 

Theo thầy Viễn, đối với trẻ em thì mục tiêu học tiếng Anh lúc đầu là nghe nói tốt, nhưng nếu muốn học tiếng Anh để đi du học hoặc làm những công việc cần viết nhiều thì lúc này phải học ngữ pháp nghiêm túc. 

Và độ tuổi thích hợp là từ 15-18 tuổi khi tư duy logic về ngôn ngữ đã tương đối ổn định để có thể hiểu được những cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Còn sớm hơn thì sẽ hơi khó với các bé để có thể tiếp thu ngữ pháp một cách bài bản.

Đồng thời, nếu học ngữ pháp thì nên học bằng cách hiểu rõ logic ngữ pháp để viết và phải thực hành viết nhiều, đọc nhiều chứ đừng học theo kiểu học mẹo để làm trắc nghiệm trong các kỳ thi. Những mẹo này không thể giúp ích gì cho việc sử dụng ngữ pháp tốt để viết mà trái lại, đôi khi còn khiến người học hiểu sai bản chất của ngữ pháp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn