Phụ huynh Trung Quốc áp dụng 'kỷ luật nhà binh' để con cai nghiện Internet

09:42 | 08/07/2019;
Trong thời đại công nghệ ngày càng bùng nổ, hội chứng nghiện Internet ở thanh niên Trung Quốc cũng đang nhân rộng. Xuất phát từ nhu cầu tăng nhanh của xã hội, các trung tâm hỗ trợ cai nghiện Internet mọc lên ngày một nhiều.
Nghiện Internet là một loại rối loạn lâm sàng
 
Li Jiazhou, 14 tuổi, bị hai người đàn ông vạm vỡ tự xưng là đến từ Sở Giáo dục đưa đi với lý do hỏi chuyện vì sao lại bỏ học. Trên thực tế, hai người đàn ông này là nhân viên của một trung tâm cai nghiện Internet. Mẹ của Li Jiazhou chính là người yêu cầu trung tâm cử nhân viên đến đưa con đi cai nghiện Internet sau khi chứng kiến con trai bỏ bữa ăn và giấc ngủ để chơi game 20 tiếng mỗi ngày trong nhiều tuần.
 
a5.jpg

 

Zhao Xiaojia, 15 tuổi, từng thức đêm trong suốt 2 tháng để chơi Internet, thậm chí có lúc Zhao đeo tai nghe trò chuyện trên mạng QQ 3 ngày liên tiếp và từ chối tháo tai nghe kể cả lúc ngủ. Và đó chính là lý do bố mẹ Zhao quyết định đưa con trai đến trung tâm cai nghiện.
 
Một thanh thiếu niên tại nước này từng ăn cắp 30.000 nhân dân tệ của bố mẹ (hơn 100 triệu VNĐ) để đến quán net ở nửa năm từ mùa thu năm trước đến mùa xuân năm sau mới chịu về nhà.
 
Các nhà khoa học của đất nước đông dân nhất thế giới cho rằng, áp lực cạnh tranh là một nguyên nhân lớn khiến giới trẻ Trung Quốc ham mê cuộc sống ảo trên các trang mạng, tạm quên đi những khó khăn thực đang phải đối diện. Vào năm 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố nghiện Internet là một loại rối loạn lâm sàng và cần phải đưa vào chữa trị tâm lý hoặc phải tham gia các lớp cai nghiện như những người bị nghiện ma túy.
 
Tại Trung Quốc, hiện có hơn 300 trung tâm cai nghiện Internet hoạt động theo phong cách quân đội. Nhiều trung tâm điều trị đã áp dụng "kỷ luật thép" của nhà binh để uốn nắn những thanh niên mắc chứng nghiện internet sớm quay lại cuộc sống bình thường.
 
Áp dụng "kỷ luật thép" của nhà binh
 
Trung tâm cai nghiện Internet Đại Hưng thành lập năm 2006. Tại đây, các học viên phải ăn uống, luyện tập và tuân thủ nhiều nội dung chặt chẽ, nghiêm khắc. Theo lời của các chuyên gia trong trung tâm, đa số bệnh nhân tới đây đều mắc chứng cuồng máy tính khi sử dụng tới 14 tiếng/ngày. Chi phí điều trị cho một khóa vào khoảng 1500 USD. Kết thúc khóa huấn luyện, học viên sử dụng internet dưới 6 tiếng/ngày được coi là hoàn toàn khỏi bệnh.
 
a1.jpg
Một học viên cai nghiện Internet được chụp, quét hình ảnh não. Các chuyên gia cho rằng, việc nghiện Internet sẽ khiến người chơi gặp phải những vấn đề về não tương tự như nghiện heroin.
Ông Tao Ran, một cựu đại tá về hưu, từng đứng đầu các đơn vị liên quan tới điều trị tâm lý trong quân đội, là người thành lập Trung tâm cai nghiện Internet Đại Hưng. Ông cho biết, có những trường hợp nghiện Internet đến mức chấp nhận mặc tã người lớn để khỏi phải đi vệ sinh và làm gián đoạn quá trình chơi game. "Chứng nghiện internet thậm chí còn nguy hiểm không kém gì ma túy. Người bệnh sợ tiếp xúc với xã hội, gặp nhiều vấn đề sức khỏe" – ông này nói.
 
Việc điều trị tại các trung tâm cai nghiện Internet bao gồm sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc, tư vấn tâm lý, tập thể dục và các hoạt động khác. Một khoá điều trị thường kéo dài ít nhất ba tháng. Cha mẹ và người giám hộ được yêu cầu ở lại trung tâm, sống trong ký túc xá riêng biệt với con cái và cũng phải trải qua các bài giảng, chẳng hạn như cách giao tiếp như thế nào với học viên, nguyên nhân vì sao con nghiện Internet...
 
a2.jpg
Học viên tại các trung tâm cai nghiện Internet được tập trung vào nhiều hoạt động thể chất.
a3.jpg
Một ngày tại trung tâm bắt đầu từ lúc các học viên được gọi dậy tập thể dục và tập trung vào lúc 6 giờ sáng. Sau khi ăn sáng xong vào lúc 7 giờ 10 phút, các học viên sẽ bắt đầu tham gia vào các lớp học như hoạt động thể chất, ngồi trong vòng tròn và thảo luận các chủ đề khác nhau với bác sĩ tâm thần, chẳng hạn như tại sao họ lại bị trầm cảm, tham gia những hoạt động khác theo lịch trình được cung cấp… Các hoạt động như vậy sẽ kết thúc vào lúc 21 giờ 30. Đến cuối tuần, các học viên sẽ tập trung thời gian cho việc dọn dẹp, giặt giũ, hoạt động thể chất nhiều hơn và tổng kết những gì đã làm trong tuần qua.
 
Hầu hết các học viên khi mới vào trung tâm đều có thái độ thờ ơ và miễn cưỡng. "Họ cố gắng trốn chạy và bất chấp, kiêu ngạo", Tao nói. "Nhưng kết quả đã trở nên khả quan sau nhiều tháng điều trị".
a4.jpg
Một thiếu niên 17 tuổi cực lực từ chối trị liệu tại trung tâm cai nghiện internet.

 

Những người nổi loạn có thể bị trói vào giường để chờ cho tới khi bình tĩnh lại. Một số trường hợp nghiêm trọng được giữ một mình trong một căn phòng nhỏ trong vòng 10 ngày. Việc sử dụng quá trình giam cầm một mình với mục đích để các bệnh nhân có thể bình tĩnh trở lại, giống như trong quân đội.
 
Wang Guoqiang, một phụ huynh có con cai nghiện Internet nói: “Chúng tôi chi tiền để cứu lấy cuộc sống của con cái mình, khi trái tim của chúng dường như trống rỗng và chỉ tìm thấy niềm vui duy nhất trong game. Tại đây, không chỉ con tôi được tư vấn, mà chính bản thân tôi cũng được học cách làm một người cha tốt”.
 
Chính phủ Trung Quốc cho biết tình trạng nghiện Internet đã ảnh hưởng tới 24 triệu/632 triệu người dùng Internet tại nước này. Tháng 8/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu tăng cường giám sát ngành công nghiệp game ở quốc gia này để ngăn chặn tình trạng cận thị lan rộng ở trẻ em. Điều đó đã khiến cho ít trò chơi mới được phát hành do sự quản lý ngặt nghèo của các đơn vị phê duyệt nội dung. Các công ty game sau đó cũng cố gắng thiết lập các biện pháp kiểm soát để hạn chế thời gian chơi game ở trẻ vị thành niên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn