Sau khi thấy nhiều mối nguy hiểm trên Tiktok, chị Mai Hương (ngụ Q. Bình Tân, TPHCM) đã trao đổi với cô con gái 12 tuổi về việc gỡ nền tảng xã hội này ra khỏi điện thoại nhưng chưa thành công.
"Phải tới khi báo chí đăng tải về việc cơ quan công an cảnh báo về lỗ hổng bảo mật trên Tiktok khi kẻ xấu lợi dụng để lấy thông tin cá nhân, lừa phụ huynh rằng con cái bị tai nạn ở trường để chiếm đoạt tiền, thì tôi mới thuyết phục được con gỡ nền tảng này ra khỏi điện thoại. Rất may là cháu hiểu chuyện, nghe lời mẹ", chị Mai Hương kể chuyện.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thành công trong việc nói chuyện với con ngừng theo dõi Tiktok. Chị Trần Hoài Thu (ngụ tại Q.2, TPHCM) cho biết: "Sau khi tôi nói chuyện với các con thì con gái lớn 15 tuổi không đồng ý về việc ngừng chơi Tiktok, còn con nhỏ thì tự nguyện không chơi nữa. Con gái tôi cho rằng, cháu sẽ biết cách tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo lắng vì tuổi của cháu chưa đủ "sức đề kháng" với các tác động xấu cứ mỗi ngày tới trên mạng xã hội này".
Cháu Nguyễn Trần Yên, học sinh trường Việt Úc (TPHCM), cho biết, sau khi được cha mẹ cho đọc bài báo về việc có thể kẻ xấu biết được số điện thoại của người thân thông qua việc cài đặt Tiktok trên điện thoại, cháu đã chủ động xóa nền tảng xã hội này ra khỏi điện thoại.
"Con chỉ thích xem các clip ngắn về phim hoạt hình của Nhật nhưng nghe ba mẹ nói về các trào lưu xấu đã xuất hiện trên Tiktok thì con cũng thấy sợ", học sinh này đưa ý kiến.
Một thầy giáo đang chủ nhiệm lớp 9 trên địa bàn TPHCM cho biết, thời gian gần đây, thầy thường xuyên nói chuyện về tác hại của Tiktok trong các buổi sinh hoạt lớp.
"Theo dõi trên Tiktok một thời gian, tôi thấy nhiều xu hướng tiêu cực trên mạng xã hội này. Tôi cũng biết vài học trò của tôi nói chuyện về các xu hướng khi tới trường, nên vô cùng lo ngại cho các con. Với nam sinh, các con dễ bị ảnh hưởng bởi các clip mang xu hướng bạo lực;
còn với nữ sinh lại bị ảnh hưởng bởi các clip thể hiện việc ăn mặc hở hang, các vấn đề sinh lý nhạy cảm. Chính vì những điều này mà tôi thường nhắc nhở các con về việc hạn chế tối đa tiếp cận Tiktok", thầy giáo này cho biết.
Tuy nhiên, việc nhắc nhở này cũng chưa đủ sức để giữ được các con trong vòng an toàn. Vì lứa tuổi từ 9 đến 16 thích khám phá, thích thể hiện và rơi vào khoảng thời gian biến đổi về tâm, sinh lý, rất khó cho việc dạy dỗ của phụ huynh và các thầy cô giáo.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, về quản lý xã hội cần kiểm soát và đưa ra các chế tài thật nặng đối với các nền tảng mạng xã hội có thông tin xấu độc.
"Tiktok khác với các mạng xã hội khác khi người dùng không mất nhiều thời gian tìm kiếm truy cập mà các clip vẫn hiện lên trang và tự tìm đến người dùng. Nếu người chơi không tỉnh táo sẽ mất kiểm soát vào các nội dung không lành mạnh, đặc biệt đối tượng dùng là trẻ em thì rất dễ bị tác động bởi những nội dung xấu, ảnh hưởng nhiều đến định hình tính cách sau này", luật sư Đào Thị Bích Liên chia sẻ.
Cũng theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Tiktok có nội dung ngắn, người dùng lướt qua nhanh. Nếu xem quá nhiều nội dung sẽ khiến trẻ quay cuồng, có thể có suy nghĩ lệch lạc. Khi bị người thân nhắc nhở, trẻ có thể sẽ phản ứng bằng thái độ giận dữ, la hét…
"Tôi nhận thấy Tiktok không giám sát, quản lý hiệu quả đối tượng người dùng là trẻ em. Ở đâu, độ tuổi nào cũng có thể tải được nền tảng này. Thậm chí một đứa trẻ còn có thể sử dụng nhiều tài khoản Titktok. Các con rất dễ bị kích động bắt chước, "đu theo trend" một cách mù quáng. Hậu quả là không ít đứa trẻ bị tiêm nhiễm từ nội dung phản cảm, không có giá trị đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục…", luật sư Đào Thị Bích Liên đưa ý kiến.
Bàn luận thêm, luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật để trẻ em hiểu hơn và tự bảo vệ mình, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp, biết sàng lọc thông tin, không để bị thao túng tâm lý, không bị tiêm nhiễm những thông tin độc hại trên Tiktok và ở cả các nền tảng mạng xã hội khác.
"Về mặt quản lý nhà nước cần phải có cơ chế giám sát. Nếu phát hiện những nội dung độc hại cần có biện pháp chế tài thật mạnh. Các mức xử phạt nếu chưa đủ sức răn đe thì cần quy định mức xử phạt cụ thể và nghiêm khắc hơn. Nếu vi phạm nhiều lần thì thậm chí phải xử lý hình sự", luật sư Đào Thị Bích Liên bàn luận.
Tới thời điểm này, những nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội Tiktok tác động tiêu cực tới trẻ em đã lặp đi lặp lại nhiều lần, gây nguy hại cho con trẻ cả về tinh thần và cơ thể. Việc cấm trẻ em chơi Tiktok chỉ là giải quyết được phần ngọn.
Các bậc cha mẹ đang mong chờ một giải pháp toàn diện và triệt để hơn đối với nền tảng mạng xã hội này từ chính sách nhà nước. Hãy bảo vệ con trẻ bằng cách "phòng" hơn là "chống".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn