Phụ nữ Ấn Độ: Nhiều người ngậm đắng vì bị chồng bỏ rơi ở nước ngoài

17:08 | 16/10/2021;
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị chồng bỏ rơi nước ngoài sống trong tình trạng nghèo khổ, kỳ thị và lạm dụng. Từ năm 2017 đến năm 2021, Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ cho biết đã nhận được 2.846 đơn khiếu nại từ những phụ nữ bị bỏ rơi.

Mỗi năm, hàng nghìn nam giới rời Ấn Độ ra nước ngoài làm việc. Đất nước này là một trong những cộng đồng có dân di cư nhiều nhất, với gần 32 triệu người Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ.

Nhiều người vì áp lực kết hôn với người cùng một cộng đồng mà trở về quê hương lấy vợ. Một số phụ nữ và gia đình cho rằng kết hôn với một người Ấn Độ đang sống ở một quốc gia khác (NRI) là một điều danh giá, tin rằng bản thân có thể có cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài. Nhưng đối với một số người, giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc chẳng bao lâu sau lại trở thành một cơn ác mộng.

Trong một số trường hợp, người vợ bị bỏ lại Ấn Độ trong khi người đàn ông lấy của hồi môn và không bao giờ quay về nước; một số phụ nữ khác bị đưa ra nước ngoài, bị lạm dụng và bỏ rơi, Mamatha Raghuveer Achanta, luật sư và người sáng lập Mạng lưới các nhà hoạt động pháp lý quốc tế (Nila) cho biết. Nila có trụ sở tại Hyderabad, đã giúp nhiều phụ nữ Ấn Độ bị bỏ lại ở Mỹ, Canada, Úc, Anh, khắp châu Âu và các nước ở Trung Đông.

Từ năm 2015 đến năm 2019, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã xử lý hơn 6.000 trường hợp bị bỏ rơi ở nước ngoài. Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ cho biết đã nhận được 2.846 đơn khiếu nại từ những phụ nữ bị bỏ rơi từ năm 2017 đến năm 2021.

Những người vợ bị chồng bỏ rơi ở nước ngoài

Kamala Reddy, 33 tuổi, một kỹ sư phần mềm từ Andhra Pradesh, kết hôn với Vijay Kumar vào năm 2012. Kumar, một người đàn ông đang làm việc ở Anh, được gia đình Reddy chọn làm con rể. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, Kumar không đưa vợ đến Anh, viện lý do các vấn đề về thị thực, Reddy nói.

Năm 2016, Reddy mang thai. Dưới áp lực của gia đình, Kumar đưa vợ đến Anh. Khi đến nơi, Reddy bàng hoàng khi phát hiện chồng có một người vợ Anh và con riêng. Cả gia đình của Kumar và Reddy đều không biết về điều này. Kumar đe dọa sẽ ly hôn nếu Reddy tiết lộ sự việc với bất cứ ai.

Rita Saini, 33 tuổi bị chồng bỏ rơi năm ngoái. Kết hôn ở Ấn Độ, sau đó Rita và chồng, Nilesh Saini sống ở Ireland trong một vài năm và có một cậu con trai. Năm ngoái, Nilesh gợi ý muốn trở về Ấn Độ để gặp gỡ một số người thân. Rita không đi làm vì vậy tài chính phụ thuộc vào chồng. Sau khi cặp đôi trở về Ấn Độ được vài tuần, chồng Rita đã bay về Ireland mà cô không hề hay biết. Cô và con trai bị bỏ lại ở nhà chồng, không có tiền bạc và không biết làm thế nào để về lại Ireland.

Từ Ireland, Nilesh đã gửi email yêu cầu vợ ly hôn. Rita đã dành cả năm qua để tìm kiếm giúp đỡ từ các cơ quan Chính phủ ở Ấn Độ và Ireland, nhưng đại dịch diễn ra, cô không có tài chính cũng như hỗ trợ pháp lý để theo đuổi vụ việc.

"Tôi đã đọc về những trường hợp kết hôn NRI này. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy ra với tôi. Thật dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo như vậy sao? "

Lối thoát nào cho những người phụ nữ đáng thương?

Việc giải quyết các trường hợp như thế này thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Những người vợ bị bỏ rơi và luật sư phải liên lạc với các sở cảnh sát địa phương, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các đại sứ quán và lãnh sự quán trên khắp thế giới.

Các nhà hoạt động cho biết đàn ông hiếm khi xuất hiện tại các phiên tòa ở Ấn Độ. Các lệnh triệu tập do tòa án Ấn Độ cấp thường không đến được người nhận, được giữ ở các cơ quan cấp cao và đại sứ quán của Ấn Độ ở nước ngoài.

"Nếu không được ly hôn đàng hoàng, phụ nữ không thể tái hôn và sống trong kỳ thị. Trong khi đó, đàn ông vẫn tiếp tục sống mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào", Geetha Morla, người sáng lập Mạng lưới trao quyền cho phụ nữ Vương quốc Anh (UKWen), một tổ chức từ thiện giúp đỡ những người vợ bị bỏ rơi, cho biết.

"Những người đàn ông này không có nhân tính. Trong nhiều trường hợp, họ đã bỏ rơi vợ con mình mà không hỗ trợ bất kỳ chi phí cấp dưỡng nào. Không ai có thể buộc họ quay trở lại. Tôi không biết chuyện này sẽ được giải quyết như thế nào, chúng tôi thực sự đã rất vất vả".

Các nhà hoạt động nói rằng các cơ quan cao ủy và đại sứ quán Ấn Độ cần phải làm nhiều hơn nữa. Chính phủ Ấn Độ cung cấp hỗ trợ tài chính cho những phụ nữ bị mắc kẹt ở nước ngoài, nhưng không có trợ giúp nào trong việc kiện tụng, đưa bị can về Ấn Độ, dẫn độ hoặc tịch thu hộ chiếu của bị can.

Khi Reddy phát hiện ra gia đình bí mật của Kumar, Kumar đã giam cô trong nhà và cắt nguồn tài chính. Không hiểu về quyền lợi của mình ở Anh, Reddy lo sợ bị trục xuất, cô cũng không có mạng xã hội để liên lạc. Cuối cùng, Reddy cũng có thể liên lạc với gia đình và rời khỏi Anh cùng con.

Reddy buộc phải nhân nhượng vì Kumar đe dọa sẽ giết người. Hiện cô đã trở lại Anh để được ly hôn và giải quyết những vấn đề liên quan đến con cái. Reddy cũng đang kiện Kumar ở Ấn Độ vì vấn đề của hồi môn. Vụ án bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng khi Kumar không xuất hiện tại các phiên tòa ở Ấn Độ.

"Anh ta sống tự do, còn tôi đang sống trong sợ hãi. Liệu anh ấy có bao giờ bị trừng phạt vì những gì đã làm với tôi không? ", Reddy nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn