Nhận thức rõ được vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN Việt Nam đã đưa bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ thông qua các cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ...
Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh với nhiều thành phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, Hội LHPN huyện Ba Chẽ đã khéo léo trong công tác dân vận để triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần thay đổi nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Bà Phạm Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Chẽ cho biết, trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã triển khai mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình", tập trung vào xây dựng thôn điểm Xanh – Sạch – Đẹp, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường, xây dựng cảnh quan.
Theo đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại Hội LHPN huyện Đầm Hà cho một số cán bộ hội, chi trưởng phụ nữ và trưởng thôn. Từ những kiến thức học hỏi được và dựa trên tình hình thực tiễn tại địa phương, Hội đã chỉ đạo thành lập và ra mắt 24 mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình.
Để các mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, các cán bộ Hội đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, quy trình kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt làm phân bón vi sinh tại 8 xã, thị trấn; hỗ trợ xây dựng 293 hố ủ và 500 thùng ủ cho 24 mô hình từ nguồn xã hội hóa, thu hút gần 800 thành viên tham gia.
"Điều phấn khởi nhất là mô hình này không chỉ được đông đảo chị em tham gia mà còn hưởng ứng tích cực. Khi một số hội viên còn băn khoăn vì không có chỗ xây dựng hố ủ thì chị Ngô Thị Thuận - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 1, thị trấn Ba Chẽ đã hiến đất vườn để làm hố ủ cho 16 hộ gia đình, khiến chúng tôi rất xúc động trước tinh thần vì cộng đồng của chị" - bà Phạm Thị Hằng chia sẻ.
Hay như chị Bàn Thị Toan - Hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh cho biết, trước đây gia đình chị không biết đến chuyện xử lý rác, hầu như chỉ vứt rác tại điểm tập kết của thôn. Kể từ ngày gia đình được hỗ trợ làm hố ủ, chị bắt đầu quan tâm và thực hiện theo, vừa có thêm "phân xanh" bón cho vườn rau của chị, vừa góp phần làm sạch môi trường. "Vui nhất là động viên được ông xã và các con cùng tham gia với mình", chị vui vẻ tâm sự.
Bên cạnh việc triển khai phân loại rác, Hội LHPN huyện Ba Chẽ cũng tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và xây dựng nếp sống văn hóa. Theo đó, Hội LHPN các cấp đã tổ chức "Ngày Chủ Nhật Xanh" bằng những việc làm cụ thể như thực hiện các buổi tổng vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, duy trì và trồng mới 10 tuyến đường hoa, cây xanh
Cùng với đó, Hội cũng phối hợp tổ chức phong trào "Ngày thứ 7 nông thôn mới, Ngày Chủ nhật xanh" tại các xã với nhiều chương trình kết hợp giữa các cấp hội phụ nữ và nhân dân thực để hiện các phần việc giúp đỡ xây dựng thôn mẫu trong xây dựng Nông thôn mới theo Kế hoạch số 02/KH-CQK, ngày 28/01/2022 của Cơ quan Khối như: phát động trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và cây dược liệu; tuyên truyền, đôn đốc xây dựng các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa làm nhà tiêu hợp vệ sinh và nhà ở, thực hiện mô hình "Biến rác thành tiền".
Đặc biệt, Hội LHPN huyện rất chú trọng triển khai phát động phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời rà soát, thống kê các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tiêu biểu để nhân rộng.
Theo bà Phạm Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ - việc nâng cao vai trò, vị thế, làm chủ kinh tế của phụ nữ là một trong những mực tiêu hàng đầu mà công tác Hội luôn hướng tới. Bởi vậy, Hội đã tuyên tuyền, vận động, khuyến khích hội viên và nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn. Với 2.000 cây Giổi xanh đã được trồng trên trên diện tích 2 ha, chương trình này được đánh giá cao vì đã góp phần thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện Ba Chẽ cũng triển khai Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, phối hợp thực hiện tốt hoạt động tín chấp, khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để hỗ trợ cho gia đình các hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn