Phụ nữ Bắc Kạn góp sức ứng phó với biến đổi khí hậu

18:24 | 20/05/2019;
Bắc Kạn là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ giúp chị em có khả năng thích ứng nhanh hơn với tình trạng môi trường, cũng như giúp cho công tác tuyên truyền được lan tỏa sâu rộng hơn.

Bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là địa phương có địa hình đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh nên thường bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như lũ ống, lũ quét, khô hạn, cháy rừng, sạt lở, xói mòn, suy giảm đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái…

Nhận thức được những tác động tiêu cực ấy, Hội LHPN Bắc Kạn xác định vấn đề biến đổi khí hậu vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp. Vì vậy, hàng năm, Hội LHPN tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các huyện/thành phố và cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

anh-1-ch-huyn-n-chung.jpg
Chị Lường Thị Huyền, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn với mô hình trồng cây ăn quả cải tạo trên đất dốc cho thu nhập cao.

 Theo đó, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm 2018, Hội đã tổ chức được 105 buổi tuyên truyền với 5.366 cán bộ, hội viên tham gia.

Tỉnh Hội chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các mô hình tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tại khu dân cư. Đến nay, Hội đã xây dựng được hàng loạt các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như Mô hình trồng lúa lai trị giá 100 triệu đồng/hộ/năm (xã Đổng Xá, huyện Na Rì); mô hình trồng chè Shan tuyết và sinh kế tại thôn Thái Rạo, Bản Cháo (xã Yên Cư, huyện Chợ Mới); mô hình trồng cây cam, quýt trên đất dốc ở xã Rã Bản (huyện Chợ Đồn); mô hình trồng bí xanh ở xã Địa Linh (huyện Ba Bể); mô hình nuôi lợn đen,... Các mô hình này đã đem lại thu nhập đáng kể cho hội viên, phụ nữ, góp phần giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu.

nh-2-chi-hi-ph-chnh.jpg
Hội viên phụ nữ Chi hội Phố Chính, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông đang tổng vệ sinh tuyến phố trên địa bàn.

 Ngoài ra, 5 xã tham gia chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Tại các xã này, hội viên phụ nữ đã tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, thực hiện các mô hình sinh kế lồng ghép với bảo vệ và phát triển rừng như trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rau bồ khai, trồng dong riềng, trồng cây sa nhân tím,... góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hội cũng duy trì mô hình Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm, tỉnh Hội tiết kiệm, hỗ trợ xã Cao Kỳ làm đoạn đường bê tông hóa dài 200m; hỗ trợ xây 01 nhà vệ sinh công cộng và xây dựng 2 điểm đốt rác,... Hội cũng duy trì và nhân rộng các mô hình tại cơ sở, đến thời điểm hiện tại, có trên 400 đoạn đường phụ nữ tự quản và có 389 điểm đốt rác thải hộ gia đình và cộng đồng thôn/bản.

Đặc biệt, tỉnh Hội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào lồng ghép với việc triển khai các hoạt động của Hội. Theo đó, thông qua các buổi sinh hoạt Chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ, lồng ghép trong các buổi họp thôn... Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động tới 30.875 lượt hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; hướng dẫn hội viên phụ nữ dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường như lá dong, lá chuối để gói; dùng làn để đi chợ... thay thế sản phẩm nhựa, nilon.

Đồng thời, vận động người thân trong gia đình và cộng đồng cùng chung tay thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” thông qua việc thu gom, phân loại các loại sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon ngay từ trong mỗi gia đình.

Theo bà Hà Thị Liễu, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác bảo vệ môi trường nói riêng. Việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp chị em có khả năng thích ứng nhanh hơn với tình trạng môi trường, cũng như giúp cho công tác tuyên truyền được lan toả sâu rộng hơn.

 “Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội, giờ đây chị em trên địa bàn đều biết những việc phải làm trước, trong và sau thiên tai. Từ việc nắm bắt, theo dõi thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đèn dầu, nước uống… Họ thực hành rất tốt trong các mùa mưa bão, cùng với gia đình, cộng đồng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra”, bà Liễu chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn