Phụ nữ bản địa tại Canada và nỗi lo bị sát hại, mất tích

10:10 | 05/07/2022;
Bà Lori Ann Mancheese (53 tuổi) luôn muốn có một mái ấm gia đình nhưng người mẹ này đã qua đời trước khi ước mơ của bà có thể trở thành hiện thực. Ngày 16/6/2022, thi thể của bà đã được tìm thấy trong một cánh đồng ven thành phố Winnipeg, bang Manitoba, Canada.

Nỗi đau khó tả

Bà Lori An là 1 trong 5 người phụ nữ đã chết trong khoảng 1 tháng nay và được các thành viên của cộng đồng bản địa tỉnh Manitoba tiếc thương. Cảnh sát Winnipeg nói rằng, 3 trong số những phụ nữ đó đã bị sát hại. Các thành viên của Ebb và Flow First Nation - Cộng đồng quê hương của Lori Ann Mancheese - đã đánh dấu nơi bà được tìm thấy bằng một cây thánh giá trong buổi cầu nguyện ngày 16/6 vừa qua.

Theo Cơ quan điều tra quốc gia về phụ nữ và trẻ em gái bản địa bị mất tích và bị sát hại, đã có ít nhất 11 phụ nữ và trẻ em gái bản địa bị sát hại tại thành phố Winnipeg kể từ tháng 6/2019 đến nay. Bà Hilda Anderson-Pyrz, Chủ tịch của tổ chức "Kết nối gia đình những người sống sót" (NFSC), cho biết, cần có hành động ngay lập tức để làm cho tỉnh an toàn hơn đối với phụ nữ bản địa, bao gồm khả năng tiếp cận nhà ở an toàn, nơi có thể cứu sống họ. Theo bà Hilda, nhu cầu còn mở rộng ra ngoài việc cung cấp thêm không gian trú ẩn khẩn cấp, nhà ở chuyển tiếp và dài hạn cung cấp các hỗ trợ văn hóa, xã hội thích hợp. Nhà ở an toàn là một phần quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ bản địa, trẻ em gái và những người đa dạng giới.

Tháng trước, cháu gái của bà Hilda là Tessa Perry nằm trong số những người bị giết ở Winnipeg. Bà Hilda nói: "Đã có quá nhiều mất mát. Chúng tôi đang gặp khủng hoảng".

Carolyn Bennett, cựu Bộ trưởng Các vấn đề bản địa, đã gọi thành phố Winnipeg là "điểm 0" cho nhận thức của đất nước về những phụ nữ và trẻ em gái bản địa bị sát hại và mất tích. Lịch sử nhiều năm bị phân biệt chủng tộc khiến cộng đồng bản địa Canada khó chữa lành vết thương và chấm dứt tình trạng trên. Tina Fontaine (15 tuổi) bị giết năm 2014. Vụ giết người này dẫn đến lời kêu gọi điều tra mức độ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bản địa. Người dân đã vớt dưới sông thi thể của Tina Fontaine được bọc trong một chiếc chăn lông vũ và bị đá đè lên. Canada đã khởi động các cuộc điều tra tại sao hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái bản địa mất tích hoặc bị sát hại trong những năm qua.

Bà Hilda Anderson-Pyrz, Chủ tịch của tổ chức "Kết nối gia đình những người sống sót"

Bà Hilda Anderson-Pyrz, Chủ tịch của tổ chức "Kết nối gia đình những người sống sót"

Sự chậm chạp của chính quyền

Bất chấp những lời kêu gọi từ những người ủng hộ hành động khẩn cấp, Ottawa vẫn chưa chi bất kỳ khoản quỹ nào trong số 724 triệu đô-la mà họ đã công bố vào mùa thu năm 2020 để hỗ trợ việc tạo ra nơi trú ẩn mới và không gian nhà ở chuyển tiếp cho phụ nữ và trẻ em gái bản địa đang cố gắng thoát khỏi bạo lực. Judy Hughes, Cố vấn đặc biệt của Giám đốc điều hành Hiệp hội Phụ nữ bản địa Canada, nói rằng, chính phủ chưa thật sự quan tâm. Cô Hughes cho biết, khi nói đến phụ nữ bản địa sống ở các thành phố, một thách thức lớn vẫn là việc tìm nhà ở hợp túi tiền tại những khu vực an toàn. Cô Hughes nói: "Vẫn còn nhiều chủ nhà từ chối cho phụ nữ bản địa thuê nhà".

Bàn về điều này, bà Norma Mancheese chia sẻ, có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cái chết của Lori Ann, em gái của bà. Điều này khiến gia đình bà đau buồn vô hạn. Norma cho biết, cảnh sát đã thông báo rằng phải chờ kết quả khám nghiệm tử thi Lori Ann. Tuy nhiên, bà Norma tin chắc rằng, nếu em gái mình có một ngôi nhà, một nơi để sống an toàn và hạnh phúc thì đã không bị chết. Giờ đây, bà lo lắng cho những phụ nữ bản địa khác sẽ rơi vào tình cảnh giống em gái mình.

Mặc dù phụ nữ bản địa chiếm khoảng 4% dân số nữ của Canada nhưng họ lại chiếm tỷ lệ đáng kể trong số những phụ nữ mất tích và bị sát hại. Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) báo cáo rằng, gần 1.200 phụ nữ bản địa đã bị sát hại hoặc mất tích ở Canada từ năm 1980 đến năm 2012. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Một cuộc điều tra quốc gia về phụ nữ và trẻ em gái bản địa bị mất tích và bị giết năm 2019 đã kết luận rằng, bạo lực tương đương với một cuộc diệt chủng dựa trên chủng tộc nhắm vào phụ nữ, trẻ em gái bản địa và các thành viên của cộng đồng LGBT. 

Ngày 5/5 là "Ngày nhận thức quốc gia về phụ nữ và trẻ em gái bản địa bị mất tích và bị giết" hay còn gọi là "Ngày mặc váy đỏ" ở Canada. Từ đó đến nay, tại Canada, các cộng đồng treo trang phục màu đỏ để tượng trưng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái bản địa đã bị mất tích hoặc bị sát hại trong những thập kỷ qua.

Hiệp hội Phụ nữ bản địa Canada (NWAC), tổ chức đại diện cho tiếng nói chính trị của phụ nữ bản địa, trẻ em gái và những người đa dạng về giới tính ở Canada, tuyên bố bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bản địa là "một bi kịch quốc gia". NWAC kêu gọi hành động để ngăn chặn tỷ lệ bạo lực không tương xứng đối với phụ nữ và trẻ em gái bản địa, xây dựng một kỷ nguyên mới trong trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bản địa. 

"Gần 3 năm sau khi Cơ quan điều tra quốc gia về MMIWG công bố báo cáo cuối cùng của họ, chúng tôi vẫn đang chờ đợi những hành động cụ thể phải được thực hiện trong Lời kêu gọi Công lý", bà Lynne Groulx, Giám đốc điều hành của NWAC, cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn