Ngày 7/11, Merck Việt Nam cùng Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) đã tổ chức ngày hội "Nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường". Đây cũng là một những sự kiện nối tiếp chuỗi hành động "Tiền đái tháo đường - Thay đổi tương lai ngay hôm nay" hưởng ứng chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025.
Số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỉ lệ người bị mắc tiền đái tháo đường chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân đái tháo đường. Dự báo đến năm 2045, sẽ có khoảng 7,9 triệu người Việt Nam mắc tiền đái tháo đường, tăng 47% so với năm 2019.
Hiện nay, bệnh đái tháo đường được xếp vào 1 trong 4 loại bệnh không lây nhiễm chính và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
GS.TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, tiền đái tháo đường thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trên thực tế, phần lớn những người bị tiền đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau góp phần vào việc phát triển tiền đái tháo đường, bao gồm tuổi tác, lười vận động, chế độ ăn không lành mạnh và hút thuốc…
Những phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bị hội chứng buồng trứng đa nang là những đối tượng có nguy cơ cao bị tiền đái tháo đường. Trong đó, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có tỉ lệ tiến triển thành đái tháo đường cao hơn 71% sau 3 năm so với nhóm không có tiền sử. Theo khuyến cáo, những người thuộc đối tượng này cần phải tầm soát tiền đái tháo đường ít nhất mỗi 3 năm/lần.
Theo TS. Dàng, hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường qua các đợt khám sức khoẻ, qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó. Hiện việc khám và tầm soát tiền đái tháo đường chưa được người dân chủ động thực hiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn