Phụ nữ cao tuổi góp sức dựng xây đất nước

13:46 | 06/12/2024;
Với bề dày trải nghiệm, mỗi người cao tuổi nói chung, phụ nữ cao tuổi nói riêng, tựa như một cuốn sách sinh động về cuộc sống. Câu “đi hỏi già” là sự khẳng định kinh nghiệm, vốn sống quý báu của lực lượng quan trọng này. Người cao tuổi Việt Nam có vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Từ bàn tay tảo tần và lời ru của bà, của mẹ, biết bao đứa trẻ đã lớn khôn, trưởng thành, trở thành người tử tế. Những đóng góp của những người bà, người mẹ trong gia đình và xã hội như dòng sông chở phù sa bồi đắp, góp phần tạo nên các giá trị gia đình truyền thống của người Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước, không có một thời kỳ, một giai đoạn nào vắng bóng sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Đã từng tồn tại suy nghĩ trong một bộ phận người dân rằng người cao tuổi là "gánh nặng" của gia đình và xã hội. 

Bằng nội lực của mình, phụ nữ cao tuổi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. 

Họ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, kinh nghiệm và có nhiều công lao trong xây dựng nền nếp tại các gia đình, giáo dục đạo đức cho con cháu.

Hội LHPN Việt Nam có hàng ngàn hội viên phụ nữ cao tuổi. Họ là tấm gương sáng trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần tuổi cao - gương sáng; phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vun đắp các giá trị gia đình Việt Nam, đặc biệt trong việc trao truyền các giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam gắn với giá trị thời đại. 

Nhiều hội viên phụ nữ cao tuổi là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện Cuộc vận động xây dựng "Gia đình văn hóa", "Gia đình 5 có, 3 sạch", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "5 có, 3 không", "Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, Câu lạc bộ dưỡng sinh, Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, mô hình hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình…

Phẩm chất "Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang" như mạch ngầm thấm sâu trong mỗi trái tim người phụ nữ Việt Nam. Thế nên, dù tuổi cao nhưng những người bà, người mẹ vẫn luôn nêu cao tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Theo kế hoạch, ngày 7/12/2024 tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc trong xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc. Hội nghị nhằm phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của phụ nữ cao tuổi trong tham gia xây dựng tổ chức Hội; thực hiện Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về hỗ trợ phụ nữ cao tuổi giai đoạn 2022-2027.

256 đại biểu phụ nữ được biểu dương tại Hội nghị có độ tuổi từ 60 trở lên. Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất là bà Đỗ Thị Đồng (84 tuổi, Hải Dương); đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 20,32% tổng số đại biểu.

Dành nhiều tâm huyết vì người nghèo

Là người nhanh nhạy với thị trường, năm 1998, bà Phan Thị Châu (thôn 6, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) mạnh dạn vay mượn ngân hàng, người thân để lấy vốn đầu tư mở nhà xe Châu Tịnh, chuyên vận chuyển hành khách. 

Phụ nữ cao tuổi góp sức dựng xây đất nước - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Châu

Được hành khách tin yêu, ủng hộ, bà từng bước mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xe lên thành Công ty TNHH Châu Tịnh - doanh nghiệp vận tải đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Đến nay, Công ty TNHH Châu Tịnh ngày càng phát triển, với 22 xe chở khách, trung chuyển, giao hàng… 

Tổng vốn đầu tư của công ty lên đến 44,5 tỉ đồng, doanh thu 14 tỉ đồng/năm. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 người lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng; lái xe có thu nhập bình quân từ 18 triệu đến 20 triệu đồng/người/tháng. 

Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, Công ty đã đổi mới phương thức quản lí, điều hành bằng phần mềm khép kín; tổ chức đặt vé, bán vé trên hệ thống phần mềm, lắp đặt camera giám sát cho các xe...

Chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2019, bà Phan Thị Châu đã thực hiện các "Chuyến xe 0 đồng" hỗ trợ sinh viên nhập học; đưa đón sinh viên về quê nghỉ lễ, Tết.

Tính từ tháng 10/2020 đến nay, Công ty của bà Châu đã giảm 25% giá vé cho 8.100 hội viên người cao tuổi, người có công, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; giảm 10% giá vé cho tất cả sinh viên thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh khi ra Hà Nội. 

Hàng năm, công ty trích hàng trăm triệu đồng từ lợi nhuận để tặng quà người nghèo trong dịp Tết, hỗ trợ đột xuất cho các hoàn cảnh khó khăn khi gặp nạn…

Ở tuổi 74, bà Phan Thị Châu vẫn điều hành công ty gia đình với vai trò cố vấn và dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động hướng về người nghèo.

U90 vẫn nhiệt tình với công tác Hội

Ở tuổi 84, bà Đỗ Thị Đồng, hội viên Chi hội phụ nữ khu La Văn Cầu (thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), vẫn tích cực tham gia hoạt động Hội và phong trào phụ nữ địa phương. 

Phụ nữ cao tuổi góp sức dựng xây đất nước - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Đồng tặng quà cho các cháu trong một hoạt động của Chi hội phụ nữ khu La Văn Cầu

Trong đợt cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, bà Đỗ Thị Đồng đã tích cực tham gia các hoạt động do Hội LHPN, Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân thị trấn Nam Sách phát động. 

Bà đã vận động gia đình và người dân ủng hộ (qua Hội LHPN và Mặt trận Tổ quốc) được hàng nghìn chiếc khẩu trang cùng nhiều lương thực, thực phẩm và tiền mặt, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 có, 3 sạch" và "Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường", phân loại thu gom xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình, bà Đồng đã bền bỉ tuyên truyền, nhắc nhở con cháu, bà con khu phố hằng ngày quét dọn nhà cửa, đường phố, tạo thói quen phân loại rác, đảm bảo vệ sinh. 

Năm 2019, Chi hội phụ nữ khu La Văn Cầu thành lập mô hình "Ngôi nhà xanh". Bà Đồng trở thành thành viên nòng cốt của mô hình này. Hàng tháng, hàng quý, bà cùng các thành viên mô hình thu gom phế liệu tái chế để bán gây quỹ thăm hỏi, tặng quà cho phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy tiếng nói của người cao tuổi, bà Đỗ Thị Đồng đã vận động hội viên phụ nữ cùng nhân dân giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình khó khăn trong khu phố, đảm bảo đủ 8 tiêu chí của Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 có, 3 sạch".

Điểm tựa của hội viên phụ nữ K'Ho

Bà Ka Dồi (SN 1958, dân tộc K'Ho) hiện là hội viên phụ nữ thôn 3, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 

Phụ nữ cao tuổi góp sức dựng xây đất nước - Ảnh 3.

Bà Ka Dồi (trái) tuyên truyền cho hội viên phụ nữ

Nắm rõ đặc thù truyền thống mẫu hệ của người K'Ho, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng, bà Ka Dồi đã phối hợp với những người có uy tín tại cộng đồng, hội viên nòng cốt đẩy mạnh hoạt động Hội ở cơ sở, phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. 

Bà đã vận động xây dựng mô hình "Phụ nữ với kiến thức pháp luật", thu hút 26 thành viên trong thôn tham gia. Nhờ được cung cấp kiến thức và hiểu biết pháp luật, hội viên phụ nữ trong thôn đã tích cực vận động người thân xóa bỏ tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời thu hút nữ thanh niên tham gia tổ chức Hội, bà Ka Dồi đã thành lập 1 đội múa xoan, 2 đội bóng đá nữ.

Thấu hiểu hội viên có hoàn cảnh khó khăn, một mặt bà vận động nguồn lực, mặt khác đề xuất với Hội cấp trên hỗ trợ vốn, sinh kế cho chị em phát triển kinh tế gia đình; nhận đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 

Với lòng nhiệt tình, bà Ka Dồi được nhiều hội viên phụ nữ thôn 3 coi là một điểm tựa tinh thần với sự trân trọng, tin yêu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn