Phụ nữ Chơ Ro khéo nấu các món ăn truyền thống

20:55 | 27/08/2024;
Món ăn truyền thống vào các ngày lễ, Tết của người dân tộc Chrau Jro (còn gọi là Chơ Ro hoặc Châu Ro) rất đa dạng, được người phụ nữ trong gia đình quán xuyến, thực hiện, giữ gìn ẩm thực truyền thống của người đồng bào.

Bà Lý Thị Nhiễn, 80 tuổi, là người dân tộc Chơ Ro hiện sống tại thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Nhiễn cho biết, cũng giống như người dân tộc Kinh, vào dịp cuối năm, đầu Xuân, người Chơ Ro sum họp gia đình, bà con. Người Chơ Ro có các ngày lễ riêng, như lễ hội Yang Vri, Yang Va, nhưng vẫn ăn Tết chung cùng người Kinh.

"Người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị các món ăn truyền thống thân quen, như bánh cấp, bánh dày, bánh ống, thịt nướng, canh bồi và nhâm nhi ché rượu cần bên bếp lửa hồng. Dù ngày nay, cuộc sống đã hội nhập sâu rộng, các phong tục, món ăn của đồng bào Chơ Ro ít nhiều đã bị mai một, nhưng các món ăn truyền thống vẫn được các bà, các mẹ gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác", bà Nhiễn kể.

Phụ nữ Chơ Ro khéo nấu các món ăn truyền thống- Ảnh 1.

Bà Lý Thị Nhiễn (thứ 2 từ phải qua) ngồi gói bánh óng cùng các phụ nữ Chơ Ro. Ảnh: Hoàng Hậu

Cứ vào ngày 25 tháng Chạp, bà Nhiễn lại chuẩn bị các nguyên liệu để làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên, thần linh. Trong mâm cúng, không thể thiếu món bánh cấp, bánh ống và bánh dày được bà giã bằng tay. Các món ăn truyền thống tượng trưng cho cuộc sống thường ngày của người Chơ Ro, sự hài hòa của đất trời, rừng núi và thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Riêng món bánh cấp được bà lựa chọn lá cây lùn để gói - là loại cây rừng được bà con hái ở ven suối. Bánh cấp làm bằng bột gạo và đậu xanh. Đây là là loại bánh dân gian của người Chơ Ro dâng cúng ông bà, tổ tiên vào dịp Tết. Sau khi làm xong các món, lá chuối được những bà nội trợ dùng để bày các món ăn. Thịt heo nướng xiên vừa chín tới được bày ra trên nền lá chuối tỏa mùi thơm ngon.

Ngoài các món bánh dân gian truyền thống được các bà, các mẹ, các chị thực hiện, mỗi mâm cơm đón Xuân của người Chơ Ro đều không thể thiếu tô canh bồi - món canh được đánh giá mang đậm hồn cốt của bà con dân tộc Chơ Ro.

Phụ nữ Chơ Ro khéo nấu các món ăn truyền thống- Ảnh 2.

Chuẩn bị bếp núc. Ảnh: Hoàng Hậu

Chị Hoàng Thị Soa, ngụ tại khu phố Vinh Thanh, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, cho biết, để nấu món canh bồi này, chị tìm đủ các nguyên vật liệu, trong đó gồm: gạo, lá rau rừng (bồ ngót, đọt choại, pà nhau…). Chị Soa nói: "Để nấu nồi canh bồi thơm ngon, đúng vị phải có gạo ngâm, gừng, thịt gà hoặc thịt heo rừng, rau kèm như đọt mây, lá pà nhau, đu đủ hay củ cây đồng đình. Sau đó tôi cho thịt vào nồi nấu chung với các loại rau rừng. Khi thịt chín, bột gạo được xay bằng tay tẩm ướp cùng gia vị như gừng, ớt để hoà vào nồi canh tạo độ sệt. Trong đó pà nhau được xem như rau gia vị, vừa tạo ra hương thơm, vừa tạo màu xanh cho nồi canh bồi thêm bắt mắt. Tô canh bồi là đặc trưng ẩm thực của dân tộc Châu Ro đó nha".

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Chơ Ro, bà con rất tôn kính các vị thần linh: thần lúa, thần rừng, thần sông, thần lửa... Trong đó, thần lửa đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội của đồng bào và trong mọi gia đình. Các lễ mừng thọ, cúng lúa mới, nhà mới, cúng rẫy, lễ tết, bà con đều đem rượu cần mang ra, lửa nổi lên, nhảy múa bên bếp lửa bập bùng. Thần lửa cháy sáng đem đến niềm tin được mùa no đủ, gia đình an vui sung túc, con trai, con gái khỏe đôi vai, dẻo đôi chân.

Phụ nữ Chơ Ro khéo nấu các món ăn truyền thống- Ảnh 3.

Làm bánh trong lễ hội Yang Va. Ảnh: Hoàng Hậu

Những ngày cuối năm, không gì ấm áp hơn cảnh cả gia đình quần tụ bên bếp lửa bập bùng, cùng nhấm nháp ché rượu cần, nghe già làng kể chuyện xưa, sử thi, con cháu ngồi xung quanh, lắng nghe từng câu chuyện. Ngày nay, văn hóa Châu Ro cũng có nhiều đổi thay đáng kể, nhưng việc thưởng thức ché rượu cần bên bếp lửa sáng rực trong những ngày đón Xuân là thứ không thể thiếu đối với bà con.

Ông Đào Văn Giã, người có uy tín trong bà con dân tộc Chơ Ro tại huyện Châu Đức, nói: "Đầu Xuân, người Chơ Ro đều mua ché rượu cần để trong nhà ai muốn uống thì uống. Mình còn bỏ rượu nếp (rượu vắt) để cho phụ nữ có thể thưởng thức được. Mình phải giữ gìn phong tục tập quán do ông bà mình để lại để cho con cháu biết về tổ tiên".

Trước đây, người Chơ Ro có tín ngưỡng đa thần. Tôn kính thần cũng là cách giúp bà con được bình an, mùa màng bội thu. Vào mỗi dịp lễ hội của đồng bào, hay Xuân đến, thầy Chang và thầy Bóng đảm nhiệm việc cúng vái, chữa bệnh. Thầy Chang là người đọc lời "gọi thần", thầy Bóng là người "nói chuyện" với thần linh. Khi thần linh nhập vào người, thầy Bóng nói bằng tiếng nói riêng, viết ra chữ riêng, cảnh báo mọi người nên làm gì để không bị xui xẻo, không phạm tới thần linh. Sau đó, tất cả cúi đầu chắp tay lại, thầy Bóng đặt hai tay lên đầu từng người, phun rượu vào và chúc điều tốt lành.

Ngày nay, người Chơ Ro hầu như không còn thầy Chang, thầy Bóng nữa. Tuy nhiên, những nghi thức cúng ông bà, tổ tiên, thần linh luôn được bà con dân tộc gìn giữ. Bà Nhiễn tâm sự: "Bà Bóng, thầy Chang là những người lớn tuổi mà giờ mất hết rồi. Bây giờ mình tự cúng thôi. Mình cũng tụ tập bà con đến để chứng kiến mình cúng ông bà để cầu mong gia đình, hàng xóm sung túc, giờ mình cúng trả lễ cho ông bà. Đó là ơn đền nghĩa trả đó".

Và cho tới thời điểm này, dù cuộc sống có bận rộn, tất bật đến mấy, thì những người con Chơ Ro xa xứ cũng phải cố gắng trở về quê hương, mong muốn thưởng thức một bữa ăn gia đình do các bà, các mẹ, các chị chuẩn bị, sắp xếp, nấu nướng. Người phụ nữ Chơ Ro rất được tôn trọng vì họ quán xuyến mọi việc bếp núc trong gia đình, rất thương chồng, yêu con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn