Nhiều tháng qua, bà Nguyễn Thị Hà (60 tuổi, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thường xuyên gom những viên pin đã qua sử dụng trong nhà vào chiếc túi nilon để tiện lúc nào ra chợ, bà sẽ bỏ chúng vào "ngôi nhà của pin". Trước đây, những viên pin đã qua sử dụng thế này, bà Hà cũng như nhiều người khác, thường… ném luôn vào thùng rác.
"Sao giờ vật dụng nào trong nhà cũng dùng pin hết vậy, từ đồ chơi trẻ em đến điều khiển ti vi, điều hoà, đồng hồ… Tiện thì có tiện nhưng nếu không biết cách thu gom thì vô tình chúng ta lại đang gây ô nhiễm môi trường" – bà Hà chia sẻ sau khi đã được Hội Phụ nữ địa phương tuyên truyền về tác hại của pin.
Hội LHPN xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết, những "ngôi nhà của pin" được đặt tại những địa điểm thu gom công cộng trên toàn xã. Pin sẽ được các thôn tập kết và chuyển tới các điểm xử lý rác thải nguy hại để tiến hành tiêu hủy và tái chế theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Các thùng đựng được tái sử dụng từ chai nhựa và được treo cố định trên các tuyến đường để người dân dễ dàng nhìn thấy. Đợt đầu phát động tại chi hội thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh đã lắp đặt 20 thùng đựng pin. Hiện, nhiều thôn trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng tiếp tục đăng ký lắp đặt thêm các "ngôi nhà của pin".
Theo nghiên cứu, trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… Vì vậy, pin khác với những loại rác thải thông thường. Sau khi sử dụng, đây lại là một loại rác độc hại. Do đó, khi bỏ đi, việc phân loại pin từ đầu nguồn rất quan trọng để có những hướng xử lý rác riêng biệt.
Tại Hà Nội, mô hình "ngôi nhà của pin" đang được nhân rộng ở nhiều khu vực, để "đón" những viên pin đã qua sử dụng. Sau đó, pin của "ngôi nhà" sẽ được đem đi tiêu hủy và tái chế theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.
Thay vì người dân vứt pin chung với rác thải sinh hoạt, Hội LHPN phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã tạo ra những "nhà của pin" để làm nơi tập kết các loại pin cũ, sạc dự phòng hỏng… sau đó thu gom để chuyển đến những điểm xử lý pin tập trung.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, nhằm nâng cao ý thức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, Hội LHPN phường đã triển khai thực hiện mô hình "Nhà của pin" vào đúng dịp kỷ niệm ngày quốc tế Phụ nữ 8/3/2023.
Mô hình được thực hiện tại 13 chi hội phụ nữ của phường, ưu tiên đặt ở những ngõ lớn trong phường, tập trung đông dân cư để người dân có thể dễ dàng tìm được điểm tập kết pin cũ, đồng thời lan tỏa thông điệp rộng rãi hơn
"Kết quả, sau 2 tuần thực hiện, số pin được hội viên phụ nữ thu gom được 46 kg pin cũ các loại đã qua sử dụng. Pin được thu gom sẽ đưa đến các điểm thu gom pin của TP Hà Nội đem đi tiêu hủy và tái chế theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Trong thời gian tới, Hội LHPN phường sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tiếp tục thu gom pin cũ, thực hiện hiệu quả mô hình "Nhà của pin", chị Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ
Có thể thấy, những ngôi nhà nhỏ nhắn - nơi thu gom pin cũ đã qua sử dụng được sơn, dán những khẩu hiệu đặc biệt đã, đang góp phần thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần đưa việc phân loại rác thải rắn ngay tại nguồn được rộng rãi hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn