Phụ nữ có HIV chật vật khi tìm kế sinh nhai

16:42 | 19/11/2018;
Nhiễm HIV từ chồng, trong khi vừa phải chịu đựng bệnh tật, sự kỳ thị, xa lánh đến từ những người xung quanh, họ còn phải đảm đương gánh nặng gia đình, đối mặt với những khó khăn khi tìm việc làm, cạn kiệt về kinh tế và có lúc như bị tuyệt kế sinh nhai...

Bị nhà chồng xua đuổi ra ở một góc lều

Năm 30 tuổi, chị Nguyễn Thị H (ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị phát hiện lây nhiễm HIV từ chồng. Nhưng, chị đã không có cách nào để thanh minh về nguồn gốc lây bệnh của mình bởi trước đó không lâu, sau một tai nạn, người chồng đã vĩnh viễn ra đi.

Gia đình nhà chồng, không hiểu là do muốn bảo vệ thanh danh cho con trai đã khuất của họ hay muốn gây khó dễ cho chị mà luôn nói bóng nói gió là chị đã “lăng nhăng” đến lây nhiễm HIV rồi đổ tội cho chồng.

Trong thời gian từ sau khi chồng qua đời khoảng gần 1 năm, người nhà chồng luôn dằn hất, xa lánh chị. Họ cho rằng sống với chị, họ luôn sợ hãi, bất an. Đặc biệt là các anh trai và chị dâu đã cấm không cho các con họ chơi với con trai của chị. Khi ăn, cả gia đình không cho mẹ con chị ngồi cùng mâm. Khi thấy chị lại gần là họ tránh né. Thậm chí, họ còn bàn nhau rồi dựng tạm một chiếc lều nhỏ ở ngoài góc vườn để đẩy hai mẹ con chị H. ra đó ở... Mặc dù trong tình trạng thân cô, thế cô nhưng trước sự dằn hất của người nhà chồng quá “nghiệt ngã”, chị H. đã buộc phải dắt con trai ra đi...

Trước đó vợ chồng chị H. nghèo, không có tài sản riêng, không được cha mẹ chồng chia bất kỳ mảnh đất nào (dù ông bà vẫn có đất chia cho các người con khác). Sau khi rời nhà chồng, chị H. chỉ biết dắt con về bên ngoại.

hiv1.jpg
Cuộc sống của phụ nữ có HIV luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chật vật.

Mẹ chị mất sớm, nhà chỉ còn người cha già, cũng đang sống trong cảnh nghèo. Trước đó, chị thương cha nên luôn giấu diếm chuyện mình có HIV và phải chịu nhiều hắt hủi, kỳ thị. Chị đã từng nhiều tháng không dám quay về vì sợ mang tai tiếng cho cha. Nhưng, thật may khi đường cùng trở về, chị H. nói thật mọi chuyện với cha. Khi ông biết chuyện và rất thương con, cháu. Chính ông đã là người đi dò hỏi các thông tin về HIV rồi biết có một nhóm những phụ nữ có H trên địa bàn đã tập hợp lại để sinh hoạt, cùng giúp nhau. Ông đã về, động viên con gái tham gia vào nhóm với hy vọng qua thông qua việc điều trị ARV, những hỗ trợ từ những người cùng cảnh ngộ, biết đâu con gái ông sẽ cảm thấy bớt tự ti, mặc cảm và có được chút nghị lực để bước tiếp…

33333.JPG
Một sản phẩm thêu móc của phụ nữ có HIV tại Quảng Ninh. Chị làm nó trong gần 4 ngày mới xong và dự tính bán được khoảng 70.000 đồng...

Bị tuyệt kế sinh nhai

Tương tự là chị Bàn Thị V. ở TP Hà Giang. Năm 33 tuổi, chị cũng bị lây nhiễm từ chồng từ người chồng nghiện ma túy. 

Vừa nghiện vừa có bệnh, sức khỏe của người chồng ngày càng ốm yếu, không có khả năng lao động, không thể kiếm ra tiền. 3 đứa con của chị V. thì còn nhỏ, nheo nhóc.

Trước đó, để nuôi sống cả gia đình, chị V. đã từng một mình xoay đủ các nghề: bán hàng quần áo thuê ngoài chợ, bán thớt thuê, phụ giúp hàng cơm, phụ giúp lò mổ...  Nhưng, mỗi nơi, chị V. chỉ làm được một thời gian ngắn, thậm chí là chưa được một tuần, vì đa số xung quanh những nơi chị tìm việc đều có người quen. Khi thông tin chị bị nhiễm HIV bị truyền ra ngoài, cứ người nọ nói đến tai người kia nên dần dần không có ai dám nhận chị làm thuê nữa. Đã có những lúc, chị V. bị rơi vào tình cảnh túng quẫn hàng tháng trời, không có công ăn việc làm, không thể xin được bất kỳ việc gì, như bị tuyệt kế sinh nhai… Tiền tích cóp trong nhà thì không hề có vì ngay cả những đồ đạc có thể bán được thì cũng đã đều bị chồng cho “đội nón ra đi”. Có những lúc gần tới đầu tháng, tính đến việc 2 con sắp phải đóng học, phải cần tiền để mua gạo, mua thức ăn…  mà trong túi chưa có đồng nào, chị V. đã chạy đi vay nợ 4-5 nhà người quen nhưng đều không được vì họ đều muốn xa lánh, tránh mặt chị...

2222.jpg
Phụ nữ có HIV vẫn còn bị nhiều người xa lánh... Ảnh minh họa

Khi chị tính xoay hướng khác, hỏi các thủ tục vay vốn ngân hàng thì cũng thấy quá khó khăn. Trong khi đó, chồng chị cũng là người có H., 3 con chị thì còn quá còn nhỏ; Bản thân chị từ ngày có H. cũng bị mọi người dè bỉu, chỉ trỏ, xa lánh nên chị không dám tham gia sinh hoạt, gia nhập bất kỳ một tổ, nhóm nào… Khi chị tính nhờ anh em, họ hàng đứng ra ký bảo đảm giúp, nhưng, mọi người cũng sợ chị sẽ chết sớm, họ sợ không rành về thủ tục, luật pháp thì sẽ phải liên quan nhiều trách nhiệm nên cũng không ai nhận lời...

Chỉ đến khi Trung tâm phòng chống AIDS của tỉnh Hà Giang có những can thiệp, kết hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, chính quyền địa phương đứng ra rà soát, cấp sổ hộ nghèo cho một số gia đình có H. đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cho đến khi này, chị V. mới chính thức có được nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư vào việc chăn nuôi thỏ…

Tính đến cuối năm 2017, thế giới có khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV. Riêng trong năm 2017, đã có khoảng 1,8 triệu ca nhiễm mới. Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Mạng lưới Toàn cầu của Người sống với HIV (GNP ) công bố, cho thấy mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong việc điều trị, cho phép người có HIV có thể làm việc, song họ vẫn tiếp tục phải chịu phân biệt đối xử khi tìm kiếm và giữ việc làm. Báo cáo dựa trên các cuộc điều tra do 13 nhóm quốc gia trên toàn thế giới tiến hành với hơn 100.000 người sống chung với HIV. Kết quả cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở người có HIV vẫn cao (tại Honduras đang lên tới 61%). Những người trẻ sống chung với HIV có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều, phụ nữ sống chung với HIV cũng ít có khả năng được tuyển dụng hơn nam giới có HIV do công việc nội trợ và việc gia đình không được trả lương. Tình trạng phụ nữ thiếu thu nhập độc lập cũng rất phổ biến, có nghĩa là phụ nữ sống chung với HIV không được hưởng quyền tự chủ kinh tế ở mức tương đương với nam giới…

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống ở Việt Nam khoảng 227.000 trường hợp. Đáng chú ý, có đến 75% người nhiễm HIV/AIDS chỉ tốt nghiệp THCS, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn