Tại các gia đình ở thôn Cổ Lũng, thay vì rác thải được tập hợp và đổ đi, giờ đây mọi người đã thành thói quen phân loại rác. Các loại rác như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bìa giấy sẽ được giữ lại. Cứ 2 ngày 1 lần, các chị em lại mang đến điểm tập kết tại Nhà văn hóa thôn để bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Cũng vì thế mà các chị em, các thành viên trong các gia đình luôn có ý thức bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về mô hình ý nghĩa này, chị Nguyễn Thị Lành, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Minh cho biết: "Sau khi nắm bắt được một số chị em có ý thức tự phát thu gom phế liệu vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bìa giấy… để cho nhau với tâm niệm "trao nhau mớ rau cho bữa cơm hàng ngày", Ban Thường vụ Hội đã khảo sát, nắm bắt tình hình Chi hội, xin ý kiến cấp trên để thành lập mô hình "Chi hội nói không với rác thải nhựa - Biến rác thành tiền" vào ngày 20/10. Số tiền bán được dùng để tạo nguồn quỹ thăm hỏi chị em phụ nữ ốm đau, bệnh tật, chị em có hoàn cảnh khó khăn".
Nói về mô hình không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn có ý nghĩa nhân văn khi giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, cô Chu Thị Phòng (Chi hội phó Chi hội Cổ Lũng) rất phấn khởi: Mô hình trở thành phong trào rất sôi nổi với các chị em. Những chị em nào bận công việc, nhóm trưởng sẽ đến tận nhà để mang rác thải nhựa đến nơi tập kết. Môi trường sạch sẽ, chị em gắn kết, đó là những giá trị mà ai cũng nhìn rõ từ mô hình này.
Là mô hình mới nên trong những ngày đầu, không phải ai cũng ủng hộ. Bởi có một số nhà tích rác thải nhựa rồi bán lấy tiền mua gói mì chính, chai nước mắm… cho gia đình. Với những trường hợp này, cô Nguyễn Thị Loan, nhóm trưởng, phải giải thích cặn kẽ về ý nghĩa nhân văn của mô hình. Khi biết số tiền dùng để thăm hỏi giúp đỡ chị em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ai cũng ủng hộ.
Nhận xét về mô hình, ông Nguyễn Văn Luyến - Bí thư thôn Cổ Lũng cho biết: Mô hình này góp phần thúc đẩy phong trào của Chi hội Phụ nữ mạnh hơn, càng có ý nghĩa hơn khi môi trường hiện nay bao gồm môi trường không khí, môi trường nước ngày một ô nhiễm năng nề. Việc làm của các chị em góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường rất nhiều.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Minh cho biết, để triển khai mô hình đến từng hội viên, các nhóm trưởng phải thực hiện việc tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân hiểu về ý nghĩa mô hình: "Việc tuyên truyền được thực hiện ở trên loa phát thanh, tuyên truyền ở CLB dân vũ… Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, hu hút được đông đảo người dân tham gia hưởng hứng.
Qua thực hiện mô hình, chị em sẽ gắn kết tình cảm hơn. Hội viên tích cực tham gia làm vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh, nâng cao ý thức trong việc tự thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn và mang đến bãi tập kết đúng nơi quy định. Đặc biệt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn