Phụ nữ có thể là trung tâm giải quyết vấn đề "mã đỏ" của nhân loại

21:23 | 22/04/2023;
Những báo cáo liên tiếp được đưa ra cho thấy ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres gọi những báo cáo về biến đổi khí hậu là "mã đỏ" đối với nhân loại và cả thế giới phải chung tay giải quyết.

Mực nước biển đang tăng lên và các đại dương đang trở nên ấm hơn. Hạn hán kéo dài hơn, dữ dội hơn đe dọa mùa màng, động vật hoang dã và nguồn cung cấp nước ngọt. Hai báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về thích ứng và giảm thiểu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Nếu chúng ta không gấp rút hành động, nhiều nơi trên hành tinh có nguy cơ trở thành vùng không thể ở được trong vài thập kỷ tới.

Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố ngày 28/2/2022 cho biết: Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong “vùng nguy hiểm” vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nều nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần.

Không chỉ vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã trực tiếp ảnh hưởng đến "nồi cơm" hàng ngày của nhiều người trên thế giới, nhất là phụ nữ và những người có mức sống thấp. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có nhiều điểm nóng về mức độ tổn thương cao đối với người dân do biến đổi khia hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres gọi báo cáo về biến đổi khí hậu là "mã đỏ" đối với nhân loại và kêu gọi các bên, cả khu vực công lẫn tư nhân, cần kết hợp các lực lượng ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Điều đặc biệt là, trong tình huống này, phụ nữ có thể trung tâm để giải quyết vấn đề.

Phụ nữ có thể là trung tâm giải quyết vấn đề "mã đỏ" của nhân loại - Ảnh 1.

Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 cho biết, hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu.

Vai trò của phụ nữ trong "nền kinh tế xanh"

Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, môi trường và kinh tế xã hội. Giờ đây, hầu hết các quốc gia đang chuyển sang phục hồi xanh để tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng, nền kinh tế và môi trường.

Quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế có mức độ phát thải carbon thấp, xanh, toàn diện và bền vững liên quan đến việc đầu tư vào các kỹ năng cho trẻ em gái và phụ nữ để họ có thể tham gia vào các nền kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này cũng sẽ đòi hỏi phải chuyển đổi các chuẩn mực giới và thay đổi các định kiến ảnh hưởng đến nguyện vọng nghề nghiệp của phụ nữ và trẻ em gái, kể cả trong hệ thống giáo dục, để tạo cơ hội cho trẻ em gái và phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực mà theo truyền thống, vốn do nam giới thống trị.

Một trong các giải pháp là mang đến nhiều cơ hội học tập hơn cho các em gái để hỗ trợ các em tham gia vào các công việc liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong tương lai.

Phụ nữ có thể là trung tâm giải quyết vấn đề "mã đỏ" của nhân loại - Ảnh 2.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế xanh

Phụ nữ với phục hồi khí hậu ở cấp cộng đồng

Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy 80% người phải di dời do biến đổi khí hậu là phụ nữ. Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thảm họa liên quan đến khí hậu, nhưng họ cũng là những người đóng vai trò hàng đầu để việc thích ứng với sự thay đổi khí hậu có hiệu quả và toàn diện.

Cần có nhiều sáng kiến hơn như Chương trình Đối tác Tăng cường Khả năng phục hồi Cộng đồng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Chương trình hỗ trợ các quốc gia trong khu vực tăng quy mô đầu tư nhằm giải quyết mối quan hệ giữa nghèo đói, biến đổi khí hậu và giới, với trọng tâm là hỗ trợ các tổ chức phụ nữ cấp cơ sở.

Có thể điểm ra những hành động có khả năng giảm phát thải từ sử dụng đất nhiều nhất, đó là giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng, chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật, giảm lãng phí thực phẩm và nông nghiệp; cũng như một số giải pháp có khả năng loại bỏ CO2 đáng kể nhất là trồng rừng và cô lập carbon trong đất ở các vùng đất trồng trọt và đồng cỏ. Trong tất cả các hành động này, phụ nữ đều đóng vai trò quan trọng. Họ có khả năng tạo ra sự thay đổi trong chế độ ăn uống cho gia đình, hay tham gia vào các giải pháp cộng đồng bảo vệ thiên nhiên như trồng rừng hay phục hồi rừng ngập mặn.

Sự tham gia của họ vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm thiểu và thích ứng với khí hậu cũng mang lại hiệu quả trong chi phí để bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái. Với vai trò dẫn dắt của người phụ nữ trong những nỗ lực này, chúng ta có cơ hội giải quyết các thách thức xã hội như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, nghèo đói và bất bình đẳng.

Phụ nữ có thể là trung tâm giải quyết vấn đề "mã đỏ" của nhân loại - Ảnh 3.

Minh họa. Nguồn: ADB

Phụ nữ cần được tiếp cận các nguồn lực

Phụ nữ ít được tiếp cận với các nguồn tài chính để chuẩn bị và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ, nhiều phụ nữ đang phải chịu những hạn chế về quyền sở hữu đất đai, điều đó cũng có nghĩa là nhiều phụ nữ không có đất sản xuất để canh tác.

Ngày Trái đất do Liên hợp quốc phát động được tổ chức vào 22/4 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi các quốc gia, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên toàn cầu. Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2023 là "Đầu tư vào hành tinh của chúng ta" để nhấn mạnh sự cấp thiết việc bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thiếu vốn tài chính và ít có khả năng tiếp cận công nghệ, cũng có nghĩa là việc những người phụ nữ này khó có thể đa dạng hóa sinh kế của mình. Vì vậy, cần cần ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi của họ, bởi họ cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều hơn do biến đổi khí hậu. Các báo cáo gần đây cho thấy có khoảng một phần ba tài chính để giải quyết các vấn đề về khí hậu có hỗ trợ bình đẳng giới, nhưng trong số đó chỉ có 1,5% lấy bình đẳng giới làm mục tiêu và chỉ có một phần rất nhỏ tài chính khí hậu được dành cho các tổ chức phụ nữ.

Vì vậy, bình đẳng giới nên được đưa vào tất cả các hành động khí hậu và nên có các khoản đầu tư trực tiếp đến tay phụ nữ. Chúng ta cũng cần có nhiều sáng kiến hơn trong việc trao quyền và hỗ trợ cho phụ nữ trong cacs hành động về biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia về khí hậu, chúng ta đang ở điểm bùng phát, nhưng thông qua vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hành động vì khí hậu, chúng ta có thể vượt qua ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo hướng có lợi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn