Phụ nữ chịu hậu quả của rượu nặng nề hơn nam giới
Victoria Cooper, sinh sống ở thị trấn Chapel Hill, bang North Carolina, Hoa Kỳ, có thói quen uống rượu từ khi cô còn là sinh viên ở trường đại học. Những lúc tham gia các buổi tiệc tùng hay chơi bowling cùng chúng bạn, Cooper đã uống rất nhiều. Thậm chí, nhiều lần cô sinh viên ngành điều dưỡng đã phải trốn tiết vì quá say.
Dù uống nhiều, Cooper luôn tin rằng mình vẫn ổn và chuyện uống rượu không ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Nhưng rồi sau đó Cooper đã bỏ học giữa chừng và trở thành nhân viên văn phòng. Thói quen uống bia rượu của cô vẫn không thay đổi. Mỗi buổi sáng, trước khi đến công ty, cô uống một hoặc hai ly vodka. Buổi trưa cô uống thêm hai ly nữa, còn buổi tối thì tùy tình hình, có khi là không đếm xuể số ly.
Trong gần một thế kỷ qua, tỷ lệ 3-1 đối với thói quen uống rượu có nguy cơ ở nam giới so với phụ nữ trước đây giờ gần với tỷ lệ 1-1 trên toàn cầu. Đó là một phân tích năm 2016 từ kết quả hàng chục nghiên cứu về vấn đề này.
Và dữ liệu mới nhất của Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy, nữ thanh thiếu niên có tỷ lệ uống rượu và say rượu cao hơn so với các bạn nam giới đồng trang lứa. Xu hướng này song song với sự gia tăng các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần ở phụ nữ trẻ và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ Dawn Sugarman của bệnh viện McLean, bang Massachusetts, người nghiên cứu về chứng nghiện bia rượu ở phụ nữ, cho biết: "Không chỉ vì chúng ta thấy phụ nữ uống nhiều hơn, mà họ đang thực sự bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần".
Nghiên cứu cho thấy, sức khoẻ phụ nữ chịu hậu quả của rượu - bệnh gan, bệnh tim và ung thư - nhanh hơn nam giới, ngay cả khi họ uống ít hơn. Theo bác sĩ Sugarman, nữ giới đòi bình đẳng với nam giới trong chuyện uống rượu đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ
Đại dịch Covid-19 khiến tình trạng trầm trọng hơn
Trở lại với trường hợp của Cooper, hiện giờ cô 30 tuổi và từng nhiều lần hạ quyết tâm cai rượu, nhưng cũng nhiều lần thất bại. Cô thừa nhận: "Tôi đã từng cai được thuốc lá nhưng không thể từ bỏ rượu. Có lẽ rượu là lẽ sống của tôi".
Khoảng cách tỷ lệ nam nữ uống rượu đang được thu hẹp ở mọi lứa tuổi. Ông Aaron White, cố vấn khoa học cấp cao tại Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu Hoa Kỳ, cho biết, đằng sau đó có rất nhiều vấn đề.
Chính Cooper thừa nhận, trong những năm niên thiếu của mình, rượu đã giúp cô vượt qua chứng lo âu xã hội. Cô đã từng bị tấn công tình dục và đã tìm đến rượu để vượt qua cú shock đó. Cooper nói: "Thật khó để thoát ra khỏi chu kỳ xấu hổ này, uống rượu và sau đó thì nghiện rượu".
Theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ bị lạm dụng hoặc tấn công tình dục khi còn nhỏ, nhiều hơn nam giới. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống và tự tử đang tăng cao ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi.
Ông White nhận định: "Rất nhiều những sang chấn tâm lý, lo lắng trong cuộc sống đã khiến phụ nữ tìm đến rượu. Đại dịch Covid-19 xuất hiện và mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn".
Một nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của rượu đối với sinh viên đại học trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 cho thấy, việc sử dụng rượu đã tăng vọt ở những người rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng cao hơn. Cũng theo nghiên cứu này, rượu có thể tạm thời xoa dịu sự căng thẳng, nhưng xét về lâu về dài, rượu khiến phụ nữ trầm cảm nhanh hơn so với nam giới.
Gillian Tietz bắt đầu uống rượu khi cô học cao học. Tietz nhận thấy một ly rượu sẽ giúp cô giảm bớt căng thẳng. Nhưng ngay sau khi ly rượu cạn, cô lại bị stress nhiều hơn. Trong vòng một năm qua, ngày nào Tietz cũng uống rượu và mất ngủ triền miên. Tietz nói rằng, lo lắng khiến cô thường xuyên thức giấc vào ban đêm, và cô bắt đầu có ý định tự tử. Rất may sau đó Tietz đã nhận ra tác hại của rượu và cai rượu thành công. Ý định tự tử cũng không còn xuất hiện trong đầu của cô nữa.
Nguy cơ gia tăng: từ nghiện rượu đến ung thư
Cho đến những năm 1990, hầu hết các nghiên cứu về rượu đều chỉ tập trung vào nam giới. Giờ đây, số lượng phụ nữ uống rượu ngày càng tăng và không kém gì nam giới, các nhà khoa học đang khám phá nhiều hơn về những tác hại không đáng có mà rượu gây ra cho cơ thể của phái đẹp.
Phụ nữ nói chung có ít nước trong cơ thể, giúp hòa tan rượu hơn so với nam giới cùng cân nặng. Điều đó có nghĩa là cùng một số lượng đồ uống sẽ khiến họ có nồng độ cồn trong máu cao hơn và các mô cơ thể của họ tiếp xúc với nhiều rượu hơn trong mỗi lần uống.
Bác sĩ Sugarman thì cho rằng, phụ nữ trước kia ít uống rượu và hiện nay, khi có sự thay đổi, rượu khiến họ ốm nhanh hơn. Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị chóng mặt, mắc các bệnh về gan, tim mạch do rượu và cả một số bệnh ung thư. Trong khi đó, theo nghiên cứu của bệnh viện McLean, tại Hoa Kỳ, số lần đến phòng cấp cứu liên quan đến rượu từ năm 2006 đến năm 2014 tăng 70% đối với phụ nữ, so với 58% ở nam giới. Tỷ lệ xơ gan do rượu từ năm 2009 đến 2015 đã tăng 50% ở phụ nữ, so với 30% ở nam giới.
Bác sĩ Sugarman và các đồng nghiệp của bà đã cung cấp thông tin cho những phụ nữ đang vật lộn với việc cai rượu ở bệnh viện McLean về mức độ ảnh hưởng của rượu đối với phụ nữ khác với nam giới. "Một số người tham gia cai nghiện 20 lần vẫn chưa bao giờ nghe thông tin này", bác sĩ Sugarman chia sẻ.
Nghiên cứu từ các đồng nghiệp của bác sĩ Sugarman cũng cho thấy, phụ nữ mắc chứng rối loạn sử dụng rượu có kết quả tốt hơn khi họ ở trong các nhóm điều trị chỉ dành cho phụ nữ, bao gồm tập trung vào sức khỏe tâm thần và chấn thương, cũng như giáo dục về các yếu tố cụ thể về giới tính của chứng nghiện.
Còn với Cooper, việc đăng ký tham gia chương trình điều trị nội trú 90 ngày vào năm 2018 đã thay đổi đáng kể nhận thức của cô về những người bị ảnh hưởng bởi chứng nghiện ngập. Cooper đã thấy xung quanh mình là những phụ nữ khác ở độ tuổi 20, những người cũng phải vật lộn với rượu và các loại ma túy khác. "Đó là lần đầu tiên sau một thời gian dài tôi không cảm thấy cô đơn", cô nói.
Năm 2019, Cooper trở lại thị trấn Chapel Hill và hoàn thành nốt việc học tập. Không những vậy, cô còn tham gia các khóa học về phụ nữ và giới tính, hoàn thành một dự án lớn về mối liên hệ giữa bạo lực tình dục, chấn thương và nạn nghiện ngập.
Mặc dù Cooper nói rằng các chương trình 12 bước đã giúp cô tỉnh táo trong 3 năm rưỡi qua, nhưng nhược điểm của chương trình này là vẫn do nam giới chi phối. Các tài liệu giáo dục do nam giới viết, lời khuyên hướng tới nam giới, ví dụ về nam giới.
Cooper có kế hoạch trở lại trường học vào mùa thu năm nay để lấy bằng thạc sĩ về công tác xã hội, với mục tiêu làm việc để thay đổi những bất bình đẳng giới trong lĩnh vực này.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn