Phụ nữ Đại Hợp đi lên từ nghề cá

14:16 | 28/10/2015;
Cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình hội viên phụ nữ nghèo tại làng chài xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) đã khởi sắc hơn nhờ phát triển hậu cần nghề cá.
Trong đó, “Tổ phụ nữ chế biến hải sản Son Lới” do Hội LHPN huyện Kiến Thụy đỡ đầu thành lập đã tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em.

Là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Ngô Thị Thanh Lới không khỏi trăn trở: “Tại sao không tận dụng tiềm năng này để xây dựng cơ sở chế biến hải sản, tạo nguồn việc làm bền vững cho các chị em ngay tại địa phương?”. Năm 2012, chị Lới đã tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến hải sản, tìm kiếm thị trường, quản lý cơ sở sản xuất nhỏ, đi tham quan học hỏi mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Kiến Thụy, chị mạnh dạn thành lập “Tổ phụ nữ chế biến hải sản Son Lới”.
Các thành viên Tổ phụ nữ chế biến hải sản Son Lới bảo quản sản phẩm

Ngày đầu tổ sản xuất có 5 thành viên. Chị em chia nhau đến các khu chợ và đại lý ở Hải Phòng tiếp thị và bán sản phẩm. Họ vừa làm vừa rút kinh nghiệm ở các công đoạn, từ sơ chế làm sạch, giữ lạnh đến chế biến sản phẩm. Bà Phan Thị Đác (57 tuổi), Tổ trưởng phụ trách sản xuất, cho biết: “Công việc của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào những chuyến tầu đánh bắt tôm cá từ biển về. Bất kể tầu về khuya hay sớm chị em đều phải có mặt và bắt tay vào làm việc ngay. Phương châm hoạt động của tổ là “lấy chữ tín làm đầu”. Vì thế, mọi người phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kĩ thuật để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất”.

Vào những tháng chính vụ (3, 8,12) mỗi đợt tầu về, cơ sở thu mua chế biến trên 2 tấn tôm, cá, tạo việc làm đều đặn cho gần 20 lao động nữ với mức lương trung bình là 4-5 triệu đồng/người cho khoảng 25 ngày công lao động/tháng. Trung bình mỗi năm, cơ sở chế biến hơn 70 tấn hải sản các loại, trong đó chế biến nước mắm là 20 tấn. Tới đây, tổ sản xuất sẽ nâng cấp lên mô hình công ty, có đăng ký thương hiệu, nhãn mác nhằm từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn