Thời gian qua, Hội LHPN các cấp tỉnh Đắk Lắk rất chú trọng việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong việc tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm là các hoạt động: Thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" gắn với chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025".
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo PNVN đã có cuộc trao đổi nhanh cùng bà Tô Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk.
PV: Xin bà cho biết một số nét tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn thực hiện "3 sạch" trong hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk?
Bà Tô Thị Tâm: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn chất lượng đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các hoạt động Hội, phong trào của phụ nữ toàn tỉnh. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm, giải pháp mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, các cấp Hội đã: Lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ để tuyên truyền, vận động, quán triệt, phổ biến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; lợi ích của thực phẩm an toàn, tác hại của thực phẩm không an toàn; tiêu chí 3 sạch của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; vận động hội viên phụ nữ sử dụng và chế biến thực phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm... cho 13.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, tiểu thương, các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn do phụ nữ làm chủ; phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.150 cán bộ Hội và hội viên phụ nữ về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thực phẩm…
PV: Trong quá trình triển khai, Hội có gặp những khó khăn gì không, thưa bà?
Bà Tô Thị Tâm: Quá trình Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ban ngành, đơn vị, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc nhân rộng mô hình điểm như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP. Ngoài ra, việc cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng an toàn còn thiếu quy định, cơ chế chính sách và nguồn lực… cũng còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp và sự nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.
PV: Ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN tỉnh, rất cần có sự liên kết, hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành, đơn vị trong địa phương. Vậy Hội LHPN tỉnh làm gì để thúc đẩy việc này?
Bà Tô Thị Tâm: Việc chúng tôi tổ chức hội thảo giải pháp tuyên truyền, vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn thực hiện "3 sạch" cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh hôm 6/10 vừa qua cũng là nhằm thúc đẩy sự liên kết, hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành, đơn vị trong địa phương.
Tại hội thảo, chúng tôi đã mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đến cùng trao đổi, chia sẻ với cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn những vấn đề cơ bản về việc áp dụng một số tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng, an toàn theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh - những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ; vấn đề an toàn thực phẩm và những khuyến nghị đối với phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; vai trò của phụ nữ trong xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng OCOP trong 3 năm 2021 - 2023 và một số định hướng trong thời gian tới; phát huy vai trò của Hội LHPN thị xã Buôn Hồ trong việc tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn gắn với tiêu chí "3 sạch"; thực trạng xây dựng chuỗi liên kết giá trị về nông sản, thực phẩm an toàn của hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý.
PV: Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN trong việc tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk sẽ làm gì để chia sẻ khó khăn, vướng mắc từ phía hội viên, phụ nữ?
Bà Tô Thị Tâm: Để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025 một cách hiệu quả, sớm về đích, các cấp Hội phụ nữ sẽ đặc biệt chú trọng đến việc tìm giải pháp trong quá trình xây dựng, thực hiện mô hình sản phẩm nông sản, thực phẩm quy mô hộ gia đình phụ nữ làm chủ; giải pháp huy động nguồn lực đầu tư các dự án, mô hình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn chất lượng do phụ nữ làm chủ; hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hội viên kinh doanh nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn chất lượng…
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn